Sống khỏe

Bộ quy tắc cho Biển Đông phải có tính ràng buộc pháp lý

TTO - Đó là khẳng định của các diễn giả tại hội thảo quốc tế “Hướng tới những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển” diễn ra tại Hà Nội ngày 12-9.

Bộ quy tắc cho Biển Đông phải có tính ràng buộc pháp lý - Ảnh 1.

Các diễn giả trong phiên thảo luận “Vai trò của ASEAN và các đối tác trong việc duy trì trật tự trên biển” tại hội thảo quốc tế ở Hà Nội ngày 12-9 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bắc Kinh đã bỏ ra 2 năm để xây dựng các đảo nhân tạo, vừa rồi lại xây dựng các đường băng, các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, gây bất ổn trong khu vực

Chuyên gia Abhijit Singh

Hội thảo do Đại sứ quán Vương quốc Anh và Nhật Bản cùng Học viện Ngoại giao Việt Nam đồng tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Anh, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, và Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Phớt lờ luật pháp quốc tế

Phát biểu tại hội thảo, đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever khẳng định Chính phủ Anh sẽ tăng cường tham gia vào các hoạt động duy trì an ninh trên Biển Đông với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Đại sứ Giles Lever nhấn mạnh phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông có tính ràng buộc và cần được tôn trọng, đồng thời khẳng định Anh sẽ hợp tác lâu dài với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh biển.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nguyên tắc quốc tế, theo đó sẽ giúp các bên liên quan thảo luận sâu sắc hơn để tăng cường vai trò luật pháp quốc tế, đem lại hòa bình thịnh vượng, tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến "nghi ngờ" về vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Một cử tọa đặt vấn đề cho các diễn giả tại phiên thảo luận cuối cùng trong ngày chủ đề "Vai trò của ASEAN và các đối tác trong việc duy trì trật tự trên biển": 

"Chúng ta nói rất nhiều về luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy gì hiệu quả. Trung Quốc vẫn thay đổi hiện trạng ở Biển Đông bằng các hoạt động xây dựng ngoài thực địa?".

Trình bày quan điểm về vấn đề này, ông Abhijit Singh - viện trưởng Viện Sáng kiến an ninh hàng hải, Tổ chức Nghiên cứu quan sát viên của Ấn Độ - cho biết đúng là có thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông do các hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Bắc Kinh gây ra, khiến nhiều nước lo ngại.

Do vậy, theo ông, nếu các bên đạt được thỏa thuận thiết lập COC mà không thực thi COC được thì điều đó trở nên vô nghĩa. Ông Abhijit Singh nhấn mạnh COC phải có tính ràng buộc pháp lý.

Môi trường đang xấu đi

Chuyên gia Ấn Độ Abhijit Singh cho rằng môi trường hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương đang xấu đi do tranh chấp ở Biển Đông. 

Ông Singh cho rằng duy trì một trật tự tốt chính là bảo đảm một môi trường hòa bình, tự do hàng hải, nhưng việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận rầm rộ trong thời gian qua đã tạo ra sự không tin cậy giữa các quốc gia.

Theo ông Abhijit Singh, cho dù điều gì xảy ra, các bên nhất định phải duy trì một trật tự tốt trong khu vực. 

"Tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN vừa qua ở Manila, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua khung pháp lý COC nhưng đối với nhiều nhà quan sát, khung pháp lý này không có ý nghĩa vì nó không giúp điều chỉnh hành vi thực tế của Trung Quốc trên biển. Ngay cả khi Trung Quốc đồng ý thông qua khung COC, nhiều người hoài nghi Bắc Kinh vẫn không ngừng các hoạt động xây dựng ở Biển Đông" - ông Singh nhận định.

Trong khi đó, ông Clive Dow, cố vấn pháp lý Văn phòng Đối ngoại và thịnh vượng chung của Anh, cho rằng luật pháp quốc tế đóng vai trò trung gian giải quyết những tranh chấp của các bên và nó có tác động nhất định. 

"Khi nhìn phán quyết của Tòa trọng tài tuyên Philippines thắng kiện Trung Quốc, Trung Quốc không phản đối phán quyết, chỉ phản đối thẩm quyền của tòa án. Như vậy luật quốc tế vẫn đóng vai trò quan trọng" - chuyên gia người Anh lý giải.

Đại sứ Anh Giles Lever đánh giá việc ASEAN và Trung Quốc vừa thông qua bộ khung quy tắc ứng xử là bước tiến quan trọng, tạo cơ hội cho Bộ quy tắc ứng xử trở thành một văn kiện có ý nghĩa, thúc đẩy hợp tác và phát triển hòa bình tại Biển Đông.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,406,600       522