Sống khỏe

Tội phạm thuốc giả, xử mạnh nhưng chưa đủ liều

TTCT - Bất chấp các nước mạnh tay và chiến dịch truy quét ở tầm quốc tế, thuốc giả vẫn là đại dịch toàn cầu và tội phạm không có dấu hiệu chùn tay do lợi nhuận khổng lồ.

Tiêu hủy thuốc giả thu được ở Bắc Kinh (Trung Quốc).-Ảnh: AFP
Tiêu hủy thuốc giả thu được ở Bắc Kinh (Trung Quốc).-Ảnh: AFP

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn luôn được biết đến như “lò thuốc giả” của thế giới. Số liệu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) hồi tháng 1-2017 cho biết trong một đợt truy quét dược phẩm giả tại 16 quốc gia gần đây, 113 triệu viên thuốc giả đã bị tịch thu mà 97% có nguồn gốc từ hai quốc gia trên.

Một phóng sự điều tra tháng 12-2012 của báo Anh The Guardian cũng dẫn nguồn tin từ các chuyên gia và tổ chức phi chính phủ cho biết 1/3 thuốc chống sốt rét ở Uganda và Tanzania là giả hoặc kém chất lượng, đa số được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Các loại thuốc này không khác gì thuốc thật và chỉ bị phát hiện khi đưa vào phòng lab kiểm nghiệm.

Trung Quốc mạnh tay

Vừa “mang tiếng” với thế giới, Trung Quốc vừa đau đầu với nạn dược phẩm giả ngay trong nước. Reuters mô tả “sự phổ biến rộng rãi của thuốc giả và quảng cáo dược phẩm dỏm là cái gai với chính quyền đại lục trong nhiều năm liền”.

Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc vì thế đã tiến hành nhiều đợt truy quét, quyết tâm dẹp nạn thuốc giả.

Quyết tâm của chính quyền có thể thấy qua con số 8.000 vụ án liên quan đến sản xuất và buôn thuốc giả bị khởi tố năm 2012, hơn gấp 5 lần so với năm 2011, theo báo cáo của Cơ quan Công tố Trung Quốc hồi tháng 3-2012.

Một trong những đợt truy quét nổi bật nhất là vào tháng 8-2012, khi Bộ Công an Trung Quốc công bố đã bắt giữ gần 2.000 người và tịch thu số thuốc giả trị giá 180 triệu USD kèm nhiều logo giả.

Cảnh sát cho biết số thuốc giả trên gồm thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh ngoài da và cả nhiều bệnh nghiêm trọng khác như ung thư.

Gần đây nhất, hôm 16-8, một quan chức thuộc Trung tâm quản lý dịch bệnh ở Lạc Dương (tỉnh Hà Nam) đã bị khai trừ đảng vì bán thuốc giả cho bệnh nhân, theo Tân Hoa xã.

Xie Yafeng, cựu trưởng phòng bệnh truyền nhiễm thuộc trung tâm nói trên, đã bán thuốc chưa được kiểm nghiệm cho người bị AIDS hoặc dương tính với HIV và nói với họ “thuốc này chữa được bệnh AIDS”.

Khi vụ việc bị phanh phui, Xie bị cơ quan sa thải hồi tháng 6, trong khi nhiều quan chức liên quan cũng bị ủy ban kỷ luật địa phương xử lý.

Sau bài phóng sự “tố” Trung Quốc sản xuất thuốc giả dành riêng cho thị trường châu Phi của The Guardian cuối năm 2012, Tân Hoa xã dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này phủ nhận các cáo buộc trên, nhưng lại khuyến cáo “chỉ nên mua thuốc từ công ty uy tín thông qua các kênh chính thức”.

Dù phủ nhận là thế nhưng chỉ nửa năm sau, vào tháng 7-2013, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc tiến hành chiến dịch kéo dài sáu tháng trên toàn quốc truy quét thuốc giả.

Chiến dịch này sau đó bắt giữ hơn 1.300 nghi can sản xuất và buôn thuốc giả, tịch thu tang vật gồm thuốc giả các loại, 9 tấn nguyên liệu trị giá hơn 362 triệu USD, theo thông tin từ Bộ Công an Trung Quốc.

Cảnh sát cũng đánh sập 140 trang web chuyên bán thuốc giả và các “nhà thuốc online” bất hợp pháp có địa chỉ ở 29 tỉnh thành.

Nhắc đến chuyện xử lý tội phạm thuốc giả ở Trung Quốc, không thể không kể vụ “đại án” liên quan đến Trịnh Tiểu Du (Zheng Xiaoyu), người từng giữ chức cục trưởng Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (2003-2005).

Tháng 5-2007, ông ta bị tòa án Bắc Kinh tuyên tử hình tội tham nhũng, sau khi nhận hối lộ từ các hãng dược để cấp phép cho 150.000 loại dược phẩm kém chất lượng, được cho là khiến ít nhất 10 người dùng thiệt mạng.

Theo China Daily, Trịnh Tiểu Du, 63 tuổi, đã nhận tổng cộng 6,5 triệu tệ (850.000 USD) từ 8 công ty khác nhau trong thời gian làm cục trưởng.

Cựu sếp ngành dược bị xử tử chỉ hai tháng sau khi nhận bản án. Án tử của họ Trịnh gây xôn xao, vì đó là lần đầu tiên kể từ năm 2000 Trung Quốc mới tử hình một quan chức ở cấp cục trưởng.

Ấn Độ Tăng hình phạt

Cũng “mang tiếng” là trung tâm thuốc giả của thế giới, chính quyền Ấn Độ đã có nhiều động thái nhằm cải thiện tình hình.

Năm 2009, Bộ Y tế nước này sửa luật để đẩy nhanh tiến trình xét xử tội phạm sản xuất và buôn thuốc giả, tăng hình phạt cao nhất dành cho tội danh này lên mức chung thân, theo The Washington Post.

Ấn Độ cũng nỗ lực truy quét thuốc giả trong nước. Theo The Washington Post, số người bị bắt vì sản xuất và bán thuốc giả năm 2009 là 147, so với chỉ 12 người hồi năm 2006.

Bộ Y tế nước này treo thưởng 55.000 USD cho những ai cung cấp thông tin về các đường dây làm dược phẩm giả.

Bài viết của The Washington Post tựa đề “Ấn Độ đã trở thành trung tâm thuốc giả” cho biết dù chính quyền New Delhi cho rằng trong tổng số thuốc do nước này sản xuất chỉ có 0,4% là giả và 8% là thuốc kém chất lượng, nhưng các thống kê độc lập cho thấy tỉ lệ này phải vào khoảng 12-25%.

Cũng chọn giải pháp tăng mức răn đe bằng luật pháp như Ấn Độ, tháng 7 năm ngoái, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Nigeria, thị trường dược phẩm lớn nhất châu Phi, đề xuất tuyên mức chung thân cho tội phạm nhập thuốc giả vào quốc gia Tây Phi này, theo báo Vanguard.

Cục trưởng Ejiofor Kingsley giải thích với Vanguard hình phạt hiện tại là 15 năm tù hoặc phạt 500.000 naira (1.400 USD) “không đủ sức răn đe, vì bán thuốc giả cũng như đưa thuốc độc cho người khác”.

Kingsley cũng thông tin: đến tháng 7-2017, có hơn 60 vụ liên quan đến buôn thuốc giả đang được tòa án thụ lý và chỉ trong năm ngoái, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm đã tịch thu được số thuốc giả trị giá 11 tỉ naira (30,6 triệu USD).

Các đường dây buôn thuốc giả ở Nigeria cũng vươn vòi sang nước ngoài và đã có nhiều trường hợp bị phát hiện, xử lý.

Tháng 3-2016, báo Daily Trust (Nigeria) đưa tin 158 người Nigeria sắp bị tử hình do buôn thuốc giả ở Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Indonesia.

Có đến 120 người trong nhóm này bị xử ở Trung Quốc, 30 người ở Malaysia, 7 ở Indonesia và người còn lại ở Singapore. Trước đó, Chính phủ Malaysia cũng nhấn mạnh trong số tội phạm nước ngoài bị bắt vì buôn thuốc giả ở quốc gia Đông Nam Á này có đến 40% là người Nigeria, theo Daily Trust.■

Vì sản xuất và buôn thuốc giả là vấn nạn toàn cầu, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cũng có chiến dịch riêng gọi là Operation Pangea để chống loại tội phạm này. Trong đợt truy quét mới nhất từ ngày 30-5 đến 7-6-2016, chiến dịch Pangea đã cho ngưng hoạt động 4.932 trang web bán thuốc bất hợp pháp và bắt giữ 393 nghi can. Interpol còn tịch thu 170.340 hộp thuốc các loại, trị giá tổng cộng 53 triệu USD.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,406,600       532