TTO - Là một điểm đến níu chân khách du lịch về đêm hiệu quả và đang ăn nên làm ra, bỗng dưng Nhà hát Múa rối cố đô Huế phải đóng cửa vì bị thu hồi mặt bằng.
Dù nhà hát đã đóng cửa nhưng nghệ sĩ Nguyễn Phi Tuấn - giám đốc Nhà hát Múa rối cố đô Huế - vẫn duy trì một đội ngũ trẻ có niềm đam mê con rối thường xuyên tập luyện và đi lưu diễn tại các trường học - Ảnh: NHẬT LINH
Nhà hát đóng cửa, du khách mất điểm giải trí, còn nghệ sĩ thất nghiệp, có người phải đi làm phụ hồ, bảo vệ... nuôi hi vọng có ngày nhà hát mở cửa trở lại.
Ba lần đóng cửa
Đây là lần thứ 3 nhà hát múa rối - một đơn vị xã hội hóa - của đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn bị đóng cửa.
Mười năm trước, ông Tuấn tự bỏ tiền xây dựng Nhà hát Múa rối cố đô Huế đặt tại khách sạn Century (đường Lê Lợi, TP Huế) phục vụ khách du lịch và các em nhỏ.
Từ đó, nhà hát trở thành điểm đến không chỉ của người dân Huế vào dịp cuối tuần, mà còn được các hãng lữ hành chọn đưa vào các tour du lịch của mình.
Nhưng đến cuối năm 2007, ông Tuấn và các thành viên nhà hát phải nghỉ diễn vì mặt bằng nhà hát bị chủ cho thuê đất thu hồi.
Chúng tôi chuyển về Nhà Thiếu nhi Huế vào năm 2009. Được hơn 4 năm, nhà hát lại phải dời về khu vực nhà hàng Nón ở Đập Đá vì ở khuôn viên cũ không giữ được không gian yên tĩnh. Mất hàng tỉ đồng từ mồ hôi công sức, tiền bạc không còn, nhà cửa đã cầm cố, tôi quá chán nản, kiệt sức khi theo đuổi đam mê múa rối!
Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn
Khi đang hoạt động, trung bình mỗi năm Nhà hát Múa rối cố đô Huế "níu chân" khoảng 8.000 du khách đến xem biểu diễn, trong số đó có khoảng 60% là khách từ các tour du lịch.
Nhớ lại thời điểm huy hoàng, ông Tuấn kể hầu như đêm nào nhà hát cũng sáng đèn đón khách. Có đêm các nghệ sĩ thay nhau diễn 2-3 suất, hết múa rối nước rồi chuyển sang múa rối cạn.
Nhà hát còn được các đơn vị lữ hành lớn đưa vào sách giới thiệu những điểm du lịch đáng đến khi chào bán tour cho khách nước ngoài tại 4 quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức.
Vừa tập huấn xong đã thất nghiệp
Cuối năm 2016, Nhà hát Múa rối cố đô Huế được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cấp miễn phí các trang thiết bị biểu diễn hiện đại như bộ đồ chống nước, mô hình rối nước rồng, lân, cọp...
Ngoài ra, các diễn viên của nhà hát còn được chuyên viên cấp cao về nghệ thuật múa rối của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trực tiếp giảng dạy, tập huấn ngay tại Huế. Thế nhưng vừa hoàn thành khóa tập huấn cũng là vừa lúc nhà hát phải đóng cửa.
Đạo cụ, con rối... bị vứt lăn lóc, ngổn ngang do nhà hát múa rối đóng cửa, không còn nơi bảo quản - Ảnh: NHẬT LINH
Không mất niềm tin
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thịnh và chị Đinh Thị Thủy là diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Múa rối cố đô Huế 10 năm nay. Sau khi nhà hát đóng cửa, anh Thịnh xin làm bảo vệ một chung cư, còn chị Thủy ở nhà chăm con nhỏ, cuộc sống khó khăn.
Múa rối không chỉ là nghề mà còn là đam mê, tâm huyết của vợ chồng chúng tôi. Nhà hát đóng cửa, không còn được lên sân khấu, không còn nghe tiếng vỗ tay của khán giả và tiếng cười sảng khoái của các em thơ... buồn lắm! Nhưng chúng tôi vẫn hi vọng ngày nào đó nhà hát mở cửa trở lại!
Diễn viên múa rối Đinh Thị Thủy
Dù nhà hát đóng cửa nhưng đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn vẫn duy trì một nhóm hơn 10 bạn trẻ là diễn viên không chuyên thường xuyên tập luyện các tiết mục rối nước và rối cạn tại nhà mình.
Nhà hát không còn nên chúng tôi đi biểu diễn lưu động tại các trường học ở trong và ngoài tỉnh. Đây là cách chúng tôi nuôi dưỡng đam mê, cũng như hi vọng ngày nhà hát được sáng đèn trở lại.
Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc một đơn vị hoạt động nghệ thuật ngoài công lập như Nhà hát Múa rối cố đô Huế đóng cửa là chuyện bình thường trong thời buổi kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà hát này đóng cửa không phải do không có khách, mà do không được hưởng các chính sách ưu đãi của địa phương dành cho một thiết chế văn hóa.
Tôi nghĩ tỉnh nên tạo điều kiện cho Nhà hát Múa rối cố đô Huế được mở cửa trở lại. Điều này vừa có lợi cho doanh nghiệp, vừa có lợi cho việc phát triển kinh tế, đặc biệt ở một tỉnh chú trọng phát triển du lịch như Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa
Hi vọng Nhà hát Múa rối cố đô Huế sớm được hoạt động trở lại có thể không xa xôi như khi trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Thiên Định, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết UBND tỉnh đã giao cho sở cùng UBND TP Huế khảo sát các địa điểm để mở lại nhà hát.
Chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện để mở lại nhà hát múa rối của ông Tuấn. Huế đang rất cần những điểm du lịch hút khách hiệu quả như nhà hát múa rối từng làm.
Ông Phan Thiên Định