TTCT- “Mỗi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo những cách rất khác nhau” - câu văn mở đầu tác phẩm Anna Karenina của L. Tolstoy này tỏ ra khá đúng với các gia đình làm chính trị ở những quốc gia châu Á.
Bà Yingluck Shinawatra vào tháng 7- 2011 sau khi được Quốc hội Thái Lan chính thức bầu làm Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Getty Images |
Việc bà Yingluck Shinawatra rời Thái Lan hai ngày trước khi có án tuyên của phiên tòa cáo buộc nữ cựu thủ tướng này tội tham nhũng được cho là đã khép lại gần hai thập niên gia đình Shinawatra khuynh loát nền chính trị Thái Lan, đồng thời đặt tương lai chính trị của quốc gia này trước nhiều câu hỏi lớn.
Lo lắng cho dân chủ
Ở gần khu vực cung điện hoàng gia Thái Lan, trên vỉa hè có một chiếc đĩa nhỏ kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1932 chấm dứt nền quân chủ chuyên chế ở Thái Lan và chuyển đất nước này sang mô hình lập hiến như bây giờ.
Chiếc đĩa can trường đã có mặt ở đó được hơn 80 năm, để rồi một ngày tháng 4-2017 nó đột ngột biến mất. Cảnh sát nói họ không biết ai đã lấy mất nó và tất cả máy quay an ninh ở khu vực này bị hỏng vào thời điểm đấy.
Nhà chức trách cũng nói một chiếc đĩa mới sẽ được đặt vào đó nhưng thay vì vinh danh cuộc cách mạng, chiếc đĩa mới sẽ nói về sự tôn kính cùng tình yêu với đất nước và nhà vua. Dù chỉ là một chi tiết nhỏ, đó là một thông điệp quan trọng trong nền chính trị Thái Lan lúc này.
Nhà hoạt động người Thái Lan Ekachai Hongkangwan không muốn điều đó và định thay chiếc đĩa mới giống chiếc cũ, nhưng ông không tiến được xa.
Ông bị quân cảnh bắt giữ, dù được thả ngay sau đó. Không phải ai cũng may mắn như Ekachai.
“Trong ba năm quân đội nắm quyền, hàng trăm người đã bị bắt giữ vì vi phạm quy định về cấm tụ tập, bày tỏ ý kiến hay chỉ trích hoàng gia - Michael Sullivan, phóng viên thường trú ở Thái Lan của NPR, nói - Luật sư nhân quyền Surapong Kongjanteuk cho biết hơn 100 người đã bị quân đội truy tố vì chỉ trích hoàng gia, rất nhiều người qua các bài đăng trên mạng xã hội”.
Mới nhất, nhà hoạt động 26 tuổi Jatupat Booyapatraksa bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam sau khi đăng lại một bài báo bị cho là “khi quân” của BBC ở tài khoản Facebook của mình.
“Chúng ta đang có nguy cơ trở lại những năm 1970 với kiểu cách đàn áp thế này - Paul Chambers, chuyên gia về quân đội Thái Lan và diễn giả ở Đại học Naresuan, nói - Nói cách khác, Thái Lan đang quay đầu trên hành trình dân chủ”.
Thitinan Pongsudhirak, nhà phân tích chính trị ở Đại học Chulalongkorn (Bangkok), nhận định tình hình còn có thể tệ hơn bởi lần này quân đội muốn ở lại lâu dài.
“Họ đã có rất nhiều thời gian, không gian và cơ hội để làm những gì họ cam kết, cải cách Thái Lan vì một hệ thống dân chủ tốt hơn và loại trừ tham nhũng, cải cách hệ thống quan liêu.
Nhưng họ đã không làm... - Thitinan bình luận - Lần này, quân đội không chỉ tiếp quản rồi bàn giao, họ còn viết hiến pháp mới, tiếp tục duy trì ảnh hưởng lên chính quyền được bầu ra trong tương lai. Họ định ở lại lâu dài”.
Xếp đặt để bà Yingluck ra đi?
Cuộc tổng tuyển cử đã bị hoãn lại ba lần, dự kiến diễn ra vào năm tới. Việc bà Yingluck ra đi khiến Đảng Pheu Thai, tức phe “áo đỏ”, không còn gương mặt đại diện khả dĩ nào, theo lời Michael Montesano của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói với The Economist.
Không có bà Yingluck, chính quyền quân đội cũng sẽ “dễ thở” hơn. Họ đã tránh được tình thế khó xử của lựa chọn bắt giam một chính trị gia nhận được nhiều sự ủng hộ, hay vẫn để bà Yingluck ung dung tự tại ở Thái Lan. “Bỏ trốn”, vì thế, trở thành giải pháp ý tưởng.
Dẫu sao, cũng vào ngày bà Yingluck biến mất, các viên tướng trong chính quyền quân đội đã được chứng kiến Tòa tối cao Thái Lan tuyên một cựu bộ trưởng thương mại của bà Yingluck, ông Boonsong Teriyapirom, 42 năm tù vì giả mạo các hợp đồng mua bán gạo giữa hai chính phủ Thái Lan và Trung Quốc.
Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan nói các thỏa thuận do ông Boonsong tuyên bố thực ra không phải là xuất khẩu sang Trung Quốc, mà chỉ là bán gạo ở địa phương và do đó đã gây ra “những thiệt hại khổng lồ” cho nhà nước.
Cựu thứ trưởng của ông Boonsong, Poom Sarapol, cũng bị tuyên 36 năm tù giam vì tội danh tương tự.
Hơn một tá quan chức liên quan chương trình trợ giá gạo cũng bị bỏ tù vào ngày 25-8 với những án tù dài ngày, bao gồm một quan chức ở Bộ Ngoại thương bị tuyên 40 năm, người phó của ông này 32 năm và một giám đốc Cục Quản lý buôn bán gạo 24 năm.
Chuyến bay bí mật, bất ngờ của bà Yingluck ra nước ngoài đồng nghĩa với việc chính quyền Thái Lan sẽ không còn gặp rắc rối với những người biểu tình ủng hộ bà nữa.
Dễ hiểu điều đó làm dấy lên câu hỏi lớn nhất trên truyền thông Thái Lan: Ai đã để bà Yingluck ra đi chỉ vài giờ, hay vài ngày, trước phán quyết của Tòa tối cao vào ngày 25-8?
“Điều khó hiểu về tấn kịch này là không ai trong chính quyền quân sự, bao gồm Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Phó thủ tướng Prawit Wongsuwon - người cai quản lĩnh vực an ninh - hay biết việc bà Yingluck bỏ trốn - cây bút xã luận của Bangkok Post, Veera Prateepchaikul, viết ngày 28-8 - Tôi không thể nào tin được chuyện đó”.
Có vẻ chính quyền đã lường trước phản ứng này và sớm răn đe.
“Quý vị không nên nêu ra các ý kiến có thể gây mất trật tự xã hội, gây ra hiểu lầm về một người hay một tổ chức” - người phát ngôn của chính quyền Winthai Suvari cảnh báo trước những tin đồn thổi về vai trò của chính quyền trong vụ bà Yingluck biến mất.
“Chúng tôi không biết bà Yingluck trốn đi đâu và không biết liệu bà ấy có xin tị nạn ở chỗ nào không” - Phó thủ tướng Prawit phân trần trước đám đông sinh viên.
Không ai rõ, và tranh luận còn dai dẳng tới giờ, về việc chính quyền quân sự có tìm cách dẫn độ bà Yingluck trở lại hay không.
Hiện giờ, nhiều người ở Thái Lan đơn giản thấy nhẹ nhõm vì đã tránh được cuộc đụng đầu giữa nhà Shinawatra và chính quyền hiện thời. Sau khi bà Yingluck bỏ ra nước ngoài, trang bìa của tờ Bangkok Post giật tít: “Cuộc đào thoát vĩ đại, chấm dứt thời đại Shinawatra”.
Nhưng biên tập viên của tờ báo, Kong Rithdee, cũng nói “cuộc thanh trừng” của chính quyền hiện thời là âm mưu nhằm “củng cố quyền lực cho giới giàu có và nhiều quyền hành trong xã hội, tức quân đội, chính trị gia, quan chức hành chính, quý tộc cũ và giới doanh nhân nhiều quan hệ”.
“Ngay cả một cuộc tổng tuyển cử cũng sẽ không thể thay đổi điều đó” - ông Kong viết vài giờ sau khi bà Yingluck biến mất. Những kẻ thù lớn nhất của bà Yingluck chỉ trích chính quyền vì đã để cho, hoặc không ngăn chặn được, việc bà rời Thái Lan.
“Trừ khi chính quyền tìm thấy và trừng phạt những người sai trái trong vụ này, Phó thủ tướng (Prawit) phải từ chức - Parnthep Pourpongpan, cựu phát ngôn viên Liên minh Dân tộc dân chủ, tức những người bảo hoàng “áo vàng”, nay đã giải tán, tuyên bố - Nếu bà ấy có thể trốn thoát thì phải có kẻ thông đồng, hoặc đây là một thất bại không thể tha thứ”.
Cây gia phả nhà Shinawatra.-Ảnh: newmandala.org |
Còn nhiều Yingluck khác?
Nhưng ngay cả khi anh em cựu thủ tướng Thái Lan đã ra nước ngoài, ảnh hưởng của họ trong nước vẫn còn rất lớn. Ít người biết là ngoài hai nhân vật chủ chốt đó, cả gia đình Shinawatra còn có nhiều đại diện khác trên chính trường Thái Lan.
Chính trị đã là truyền thống lâu đời của gia đình gốc gác Chiang Mai này. Cha ông Thaksin và bà Yingluck, ông Lert Shinawatra, là doanh nhân chuyển sang làm chính trị gia, dân biểu tỉnh Chiang Mai. Người chú Sujate từng là thị trưởng Chiang Mai.
Một người chú khác, Suraphan, là nghị sĩ Thái Lan và thứ trưởng Bộ Giao thông dưới thời thủ tướng Prem Tinsulanonda những năm 1980. Em rể của ông Thaksin, Somchai Wongsawat, từng làm thủ tướng gần 3 tháng vào giai đoạn đầy biến động cuối năm 2008.
Trong khi nhà Shinawatra nổi lên với nghề buôn vải ở Chiang Mai, ông Thaksin, 68 tuổi, làm nên cơ nghiệp nhờ ngành viễn thông. Với khối tài sản đó, ông đã đảm bảo được sự ủng hộ của đa số dân chúng vùng nông thôn, giành chiến thắng vang dội cho Đảng Thai Rak Thai trong cuộc bầu cử năm 2001.
Bà Yingluck, 50 tuổi, là em út trong 10 anh em, trong khi ông Thaksin là con trai lớn. Em gái ông, Yaowapa, 62 tuổi, đắc cử dân biểu Chiang Mai năm 2001 (ông Somchai là chồng bà Yaowapa và là cựu thẩm phán). Một người em trai, Payap, 60 tuổi, đắc cử năm 2005, cũng ở Chiang Mai.
Báo chí cả Thái Lan và nước ngoài đã đồn đoán về nhiều lý do dẫn tới việc bà Yingluck có thể dễ dàng rời Thái Lan như thế.
Trong những năm cầm quyền 2011-2014, bà chưa bao giờ thoát khỏi ấn tượng là người của ông Thaksin và giờ đối mặt 10 năm tù giam.
Nhưng việc tuyên mức án đó có thể biến bà thành một biểu tượng “tử đạo” của Đảng Puea Thai và tạo ra làn sóng phản đối nhắm vào chính quyền quân sự cầm quyền hiện giờ. Sức mạnh của gia đình Shinawatra còn lại ở Thái Lan cũng là điều khiến các đối thủ chính trị của họ phải e dè.
Với việc bà Yingluck giờ đã rời sân khấu chính trị, sự chú ý chuyển sang chị gái của bà, Monthathip, nữ doanh nhân 58 tuổi, dù bà này đã bác bỏ khả năng tham gia chính trường.
Ngay cả như thế, gia đình Shinawatra vẫn còn cả một thế hệ trẻ sẵn sàng tiếp bước. Con trai 37 tuổi Yodchanan Wongsawat của bà Yaowapa và ông Somchai, tiến sĩ được đào tạo tại Mỹ, đã đăng ký tranh cử ở Chiang Mai năm 2014, nhưng rồi cuộc bầu cử bị hủy bỏ.
Cháu gái của bà Yingluck, Chayika Wongnapachant, 38 tuổi, là người phụ trách tài khoản xã hội cho thủ tướng lúc trước.
Cũng học ở Mỹ, bà Chayika hiện có 16.800 người theo dõi trên Twitter, dù bà tuyên bố mình “không phải chính trị gia, chỉ là người làm trong lĩnh vực chính trị”.
Với tất cả người thân quyền lực vẫn còn trong nước đó và sự ủng hộ chưa hề suy giảm, ngay cả khi ông Thaksin và bà Yingluck đã không còn ở Thái Lan, không có gì bảo đảm cuộc chuyển giao sắp tới ở đất nước này sẽ diễn ra êm ả.■
Lert: Cha của ông Thaksin và bà Yingluck, nghị viên Hội đồng tỉnh Chiang Mai và nghị sĩ Thái Lan đại diện cho Chiang Mai. Suraphan: Em trai của Lert, chú của Thaksin, nghị sĩ Thái Lan đại diện cho Chiang Mai, thứ trưởng Bộ Giao thông dưới thời thủ tướng Chatichai Choonvahan. Trong số các em của ông Lert còn có ông Sujate là thị trưởng Chiang Mai. Chaisit và Uthai: Hai người anh chú bác của ông Thaksin, con trai ông Sak - anh trai Lert, đều trở thành tướng quân đội Thái Lan. Ông Chaisit là tổng tư lệnh quân đội Thái Lan, trong khi ông Uthai là thư ký thường trực Bộ Quốc phòng. Yaowalak: Chị gái ông Thaksin, nữ thị trưởng đầu tiên của Chiang Mai, bà qua đời năm 2009. Yaowapa: Thành viên chủ chốt của Đảng Thai Rak Thai. Chồng bà là Somchai Wongsawat, thủ tướng thứ 26 của Thái Lan và là cựu thẩm phán. Một người con gái của cặp vợ chồng này, bà Shinnicha, hiện là nghị sĩ đại diện vùng Chiang Rai của Đảng Pheu Thai. Ngoài ra, bên vợ ông Thaksin cũng rất quan trọng. Bà Potjaman Damapong (hiện đã ly dị) có cha là tướng tư lệnh cảnh sát. Anh trai bà và bạn của ông Thaksin, tướng Preopan Damapong, cũng là tướng cảnh sát cấp cao. Nhà ngoại của bà Potjaman cũng có họ hàng với vợ của ông Abhisit Vejjajiva, thủ tướng thứ 27 của Thái Lan. |