TTO - Theo lộ trình, dự kiến từ cuối năm 2017 trở đi, Hà Nội sẽ lần lượt chuyển các sở ngành về làm việc chung tại hai khu liên cơ quan tại quận Tây Hồ và quận Hai Bà Trưng.
Dự kiến cuối năm 2017, đầu năm 2018 Hà Nội sẽ chuyển 8 sở, ngành về làm việc tại khu liên cơ quan trên đường Võ Chí Công (quậnTây Hồ) - Ảnh: NGUYÊN MINH
Thu về một mối
Theo ông Mai Xuân Vinh- Phó Giám đốc sở Tài chính Hà Nội, thành phố đã chủ trương xây dựng hai khu liên cơ quan để dồn chuyển toàn bộ các sở, ngành về làm việc.
Khu thứ nhất nằm trên đường Võ Chí Công (quậnTây Hồ) rộng 4.000m2, hiện đã xây dựng xong một tòa nhà 18 tầng và một tòa nhà 14 tầng.
Khu này đang được gấp rút lắp đặt, hoàn thiện các hạng mục để bắt đầu từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 sẽ chuyển 8 đơn vị về đây làm việc.
Các cơ quan sẽ chuyển về đây gồm các sở: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.
Khu thứ hai nằm chính tại trụ sở cũ của Sở Xây dựng (số 52 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rộng 10.000m2. Sau khi Sở Xây dựng dời đi tới khu liên cơ quan Võ Chí Công, khu đất này sẽ được lấy lại để lập dự án đầu tư xây dựng khu liên cơ quan tiếp theo. Tại đây, tất cả các sở ngành còn lại sẽ được chuyển về để làm việc tập trung.
Theo ông Vinh, như vậy sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hai khu liên cơ quan, toàn thành phố chỉ có hai khu vực tập trung các sở ngành. Điều này rất thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp liên hệ làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính.
Không xây chung cư, nhà ở
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vinh cho hay, sẽ không có tình trạng các sở, ngành hay thành phố giữ lại các lô đất sau khi di dời. Tất cả quỹ đất sẽ được giao cho một số cơ quan, đơn vị có nhu cầu cấp thiết, còn lại chủ yếu trưng dụng để bán đấu giá.
Kinh phí thu được một phần sử dụng cho việc xây dựng khu liên cơ mới, còn lại sẽ nộp về ngân sách thành phố để tái đầu tư công, xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn.
Trả lời về việc các khu đất sẽ được bán cho doanh nghiệp nào, ông Vinh nói: "Cái này là đấu giá bán công khai, sở sẽ xây dựng từng phương án cụ thể để trình UBND TP phê duyệt".
Cũng theo ông Vinh, quan điểm nhất quán của thành phố là sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng chung cư, nhà ở tại các khu đất này nhằm giảm áp lực về hạ tầng, dân số lên khu vực nội thành. Các khu đất sau khi được bán đấu giá sẽ ưu tiên xây dựng các trung tâm thương mại, văn phòng, trụ sở công ty…
Việc xây dựng các công trình mới sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, chỉ số liên quan tới quy hoạch, xây dựng của thành phố.
Theo dự kiến, nếu áp dụng bảng giá đất hiện hành, các khu đất của 8 sở ngành di dời giai đoạn đầu khi bán sẽ thu được khoảng 2.000 tỉ đồng.
Chung bộ phận "một cửa"
Theo ông Mai Xuân Vinh, ở khu liên cơ thứ nhất trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), 8 sở ngành sẽ có chung một bộ phận "một cửa".
Ngoài ra, một số công năng như các phòng họp, hội trường, nhà ăn… đều được trưng dụng chung.
Với đặc thù hoạt động như khu hành chính tập trung, khu liên cơ sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách của thành phố và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tới giao dịch.