Sống khỏe

Trở lại trường học - cái kết thật cho hai chuyện cổ tích

TTO - Hồ Thị Tin, cô gái phải nghỉ học để nuôi em ung thư máu trong bệnh viện, và Trần Thị Thanh, nữ sinh phải mang lồng sắt ở chân vì ung thư xương, đều trở lại lớp học trong mùa khai trường này.

Trở lại trường học - cái kết thật cho hai chuyện cổ tích - Ảnh 1.

Hai chị em Tin và Tuyết giờ đây ở TP Huế và cùng nhau đi học, điều mà trong những tháng ngày ở trong bệnh viện, Tin không dám nghĩ tới - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hồ Thị Tin là người dân tộc Cơ Tu, sống giữa núi rừng trên dãy Trường Sơn, ở thôn Mu Nú Tara, xã Hương Nguyên của huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Ba năm trước, Tin vừa học hết cấp hai thì em gái Hồ Thị Lan Tuyết phát hiện bị ung thư máu, phải xuống TP Huế chữa trị. Cha mẹ không biết chữ, không thể "xuống núi" nuôi con nên Tin được giao phó "sứ mệnh" chăm em trong bệnh viện. Đồng nghĩa là Tin phải nghỉ học, và mọi ước mơ của cô gái tuổi 15 dường như đều phải dập tắt.

Nghẹn ngào tình chị em Nghẹn ngào tình chị em

TT - Một năm trước, hai chị em người dân tộc Cơ Tu ở thôn Ta Rá (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) tạm biệt cha mẹ và bản làng, dắt nhau xuống núi chữa bệnh.

Nhưng may mắn thay, cảm thông trước hoàn cảnh của hai chị em, một bác sĩ của Bệnh viện trung ương Huế đã xin cho Tin được đi học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Huế. Giường bệnh của em gái là nơi hai chị em vừa sống, vừa học và cùng nhau vượt qua muôn vàn nỗi đau của căn bệnh ung thư trong ròng rã ba năm trời.

Tháng 3-2017, Tuyết được xuất viện. Hai chị em vui lắm nhưng không khỏi lo lắng nếu về lại A Lưới thì dở dang đường học. 

Một lần nữa "bà tiên" xuất hiện. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, người trực tiếp điều trị ung thư cho Tuyết, đã cho hai chị em về ở cùng mình tại TP Huế và cho Tuyết học cấp tốc suốt cả mùa hè để kịp vào lớp 1. Tiền học phí cho Tin cũng do bác sĩ Hoa kết nối với một nhà hảo tâm để lo liệu. 

Tin năm nay 18 tuổi, học năm nhất ngành điều dưỡng trường Cao đẳng Y tế Huế. Với Tin, những gì đến với hai chị em trong ngày khai trường năm nay là một câu chuyện cổ tích có thật.

Trần Thị Thanh cùng bạn trong bệnh viện hồi tháng 4-2017 và bây giờ, dù chân vẫn mang lồng sắt, đầu đội tóc giả nhưng Thanh đã được đến trường để thực hiện ước mơ "lên lớp 10" - Ảnh: NGỌC HIỂN và do nhân vật cung cấp 

Với nữ sinh Trần Thị Thanh (Lộc Hà, Hà Tĩnh), được đến trường sau những biến cố của cuộc đời cũng là một giấc mơ thành hiện thực. 

Mùa hè năm 2016, Thanh vào Sài Gòn đi bán vé số dạo với dự định sau ba tháng hè sẽ dành dụm tiền mua một chiếc xe đạp điện để đi học. Nhưng đi bán được một tuần, chân trái Thanh tê cứng, không thể đi lại được. Như sét đánh ngang tai, bác sĩ thông báo Thanh bị ung thư xương.

Đường học đứt đoạn. Thanh tuyệt vọng vì lo, vì sợ và vì đớn đau khi mái tóc dài dần rụng sạch sau những đợt hóa trị. Trải qua những tháng ngày trong bệnh viện với cô bạn Nguyễn Mỹ Hiếu, người cùng chung cảnh ngộ, Thanh vẫn không ngừng nuôi hy vọng "chữa lành bệnh để về quê đi học".

Tình bạn, tình người Tình bạn, tình người

TTO - Họ đều là thiếu nữ tuổi 16 trăng tròn. Cả hai cùng nằm một phòng và đều mắc một căn bệnh quái ác: ung thư xương.

Bây giờ Thanh vẫn phải mang lồng sắt ở chân, nhưng bác sĩ thông báo sức khỏe tiến triển tốt nên Thanh đã về quê, vào học lớp 10.

Hàng ngày, Thanh đội tóc giả, được bạn bè chở đến lớp học. Vậy là sau đúng một năm gián đoạn, dù xe đạp điện không cần mua nữa, Thanh đã thực hiện được ước mơ của mình. Thanh nói khai trường năm nay là ngày vui nhất của em từ trước đến nay.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,409,864       741