TTO - Người dân phản ứng tình trạng đường vào cảng Đức Hạnh (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị phá nát, từ tháng 4-2017 đến nay chưa được giải quyết, họ bức xúc tiếp tục chặn xe ra vào cảng.
Người dân chặn xe trên đường vào cảng thủy nội địa Đức Hạnh sáng 11-9 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Sáng nay 11-9, hàng chục hộ dân xã Tân Phước và Phước Hòa (huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã dùng nhiều vật cản chặn đường vào cảng thủy nội địa Đức Hạnh.
Từ khoảng 8h sáng, người dân đã dùng đá, thân cây to để chặn hai bên đường vào cảng thủy nội địa Đức Hạnh. Hàng chục xe tải bị chặn lại, gây ra ùn ứ giao thông. Đến hơn 10h, sau khi chính quyền địa phương vận động, thuyết phục, người dân đã gỡ bỏ các vật cản để xe qua lại bình thường.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nguyên nhân người dân chặn xe là do những bức xúc vì con đường này bị phá nát, ô nhiễm. Tình trạng này đã khiến người dân phản ứng từ tháng 4-2017, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Khi cảng nội địa Đức Hạnh đi vào hoạt động năm 1996, chủ đầu tư đã hứa với người dân rằng sau 3 năm - tức năm 1999 - sẽ làm đường bêtông. Nhưng từ đó đến nay, chủ cảng chỉ cho sửa, vá dặm đường tạm thời.
"Chúng tôi muốn gặp ông chủ cảng Đức Hạnh để giải quyết cho rõ ràng, có biên bản, có lời hứa của ông ấy nhưng ông này cứ né dân không gặp", một người dân cho biết.
Được biết, sau vụ việc sáng nay, lãnh đạo xã và huyện đã tìm cách liên lạc được với chủ cảng và chiều nay 11-9 sẽ có cuộc họp giữa các hộ dân cùng chính quyền huyện, xã và ông chủ cảng thủy nội địa Đức Hạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Thắm, chủ tịch UBND huyện Tân Thành, cho biết sau khi người dân phản ứng hồi tháng 4-2017, huyện đã tổ chức họp với 8 doanh nghiệp có cảng thủy nội địa để bàn phương án. Theo đó, có doanh nghiệp đồng ý chung tiền làm đường, có doanh nghiệp đề xuất bỏ vốn đầu tư đường và thu phí các xe chở hàng, miễn phí cho dân.
"Hiện huyện vẫn đang bàn thảo, tìm phương án tốt nhất và cũng phải xin chủ trương của tỉnh", ông Thắm nói.
Chủ tịch huyện Tân Thành cũng cho biết thêm: Con đường này vốn là doanh nghiệp bỏ tiền ra mua đất, làm đường, sau đó, người dân vô ở. "Trước sau gì cũng phải làm đường cho dân, chúng tôi đang tính toán cái nào có lợi thì làm", ông Thắm nói.