Sống khỏe

Một quyết định quá muộn mằn

TTO - Việc chấp nhận cho quảng cáo trên thân xe buýt là một điều đúng đắn, chỉ có điều đáng tiếc là một quyết định hợp thời cuộc như thế được ban hành quá chậm.

Một quyết định quá muộn mằn - Ảnh 1.

Việc quảng cáo trên thân các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên cao, tàu điện ngầm rất phổ biến ở các thành phố trên thế giới. Ở những nước được coi là kỹ tính về phương diện kỹ thuật cũng như đạo đức như Nhật Bản, Đức thì việc quảng cáo cũng đã có hàng chục năm nay.

Thật ra quảng cáo trên thân xe không phải là xa lạ với người dân thành phố này, xa xưa nhất là quảng cáo trên thân và mui toa tàu điện (tramway) tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn vào những năm 1885. Còn trước 1975 việc quảng cáo trên thân xe buýt, xe Lambro không phải là ít. 

Sau 1975 cho đến trước năm 1990, việc quảng cáo nói chung và trên phương tiện giao thông không được quan tâm vì lúc đó hàng hóa quá khan hiếm trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vào bao cấp trường kỳ, nhu cầu quảng cáo hàng hóa chỉ nở rộ từ sau 1995.

Tuy nhiên ở TP.HCM, nhu cầu quảng cáo trên thân các phương tiện giao thông cả công cộng lẫn tư nhân bị cấm hẳn cho đến tận 2016, lần đầu tiên mới được thực hiện thí điểm trên 171 xe buýt.

Ba lý do chính để cấm được dẫn ra là: quảng cáo sẽ làm mất tập trung cho người sử dụng phương tiện giao thông, nhất là xe máy, dễ gây tai nạn; quảng cáo không kiểm soát tốt sẽ có những hình ảnh làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, và quảng cáo sẽ gây ra mất mỹ quan đô thị, lộn xộn, nhốn nháo.

Thực tế diễn ra ở các nước khác và sau hơn 1 năm thử nghiệm tại TP.HCM cho thấy việc quảng cáo trên thân các loại phương tiện giao thông công cộng thực ra là rất tốt, nó là loại quảng cáo di động chạy khắp thành phố. 

Loại quảng cáo này so với quảng cáo ngoài trời tỏ ra an toàn hơn, nó không lấn chiếm không gian trên cao hay dưới đất, không che chắn tầm nhìn, không gây nguy hiểm gãy đổ, hỏa hoạn trong những ngày dông bão, động đất.

Từ khi các xe buýt và taxi quảng cáo trên thân xe làm cho phố phường Sài Gòn dường như sinh động hẳn lên, những hình ảnh quảng cáo tấm lớn như những bức tranh di động làm cho người tham gia giao thông thấy đỡ nhàm chán. 

Cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy, hay đi bộ quá mải ngắm hình ảnh trên tấm quảng cáo.

Một điều quan trọng nữa cần nhấn mạnh là việc quảng cáo trên xe buýt mang lại một giá trị kinh tế khá lớn. Hằng năm TP.HCM buộc phải trợ giá cho xe buýt, nói là buộc phải vì như thế mới duy trì được xe buýt, nhưng số tiền đó quá lớn lên đến hàng ngàn tỉ mỗi năm. 

Chẳng hạn năm 2011 là 1.300 tỉ đồng, năm 2012 là 1.500 tỉ và số tiền này tăng lên theo từng năm, nhưng trớ trêu là tiền trợ giá tăng hằng năm thì số hành khách sử dụng xe buýt lại giảm xuống theo từng năm, chẳng hạn hành khách sử dụng xe buýt năm 2016 giảm 11,5% so với năm 2015.

TP.HCM không thể tiếp tục trợ giá nhiều như thế cho xe công cộng, trong khi ngân sách khá eo hẹp, vì thế mà không ít lần Hội đồng nhân dân TP.HCM đưa việc giảm dần đến cắt hẳn việc trợ giá này vào chương trình nghị sự.

Sau hơn 1 năm thử nghiệm, ngày 1-9-2017, UBND TP.HCM đã phê duyệt đơn giá cho thuê quảng cáo trên thân xe buýt. Dự kiến số tiền thu được từ quảng cáo trên 2.083 xe buýt (loại xe được trợ giá) sẽ mang lại 220 tỉ đồng/năm, số tiền thu được này cũng đồng nghĩa với việc 20% ngân sách trợ giá vé xe buýt hằng năm được thành phố điều tiết sử dụng vào việc khác.

Trong bối cảnh như thế, việc chấp nhận cho quảng cáo đại trà trên thân xe buýt, taxi, tiến tới là xe điện một bánh trên cao, thân tàu hỏa, thân toa xe của metro là một điều đúng đắn. 

Chỉ có điều đáng tiếc là một quyết định hợp thời cuộc như thế được ban hành quá chậm, giá như nó được thực thi cách nay 20 năm thì nguồn lợi mang lại cho các bên như chính quyền, nhà đầu tư, người lao động và cả nhân dân là người thụ hưởng gián tiếp từ những hoạt động quảng cáo này chắc chắn là không nhỏ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,410,651       813