TTO - Rất nhiều bạn trẻ hay tin có cuộc gặp gỡ Văn học tuổi 20 (VHT20) giữa chặng nên đã đến chật kín hội trường NXB Trẻ sáng 9-9, với hàng loạt câu hỏi đặt ra cho các tác giả có mặt.
Cụm 8 tác phẩm vào chung khảo Văn học tuổi 20 vừa được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền
Cho đến nay, có thể tạm yên tâm về chất lượng của các tác phẩm Văn học tuổi 20 lần này. Đó là về cấu trúc tác phẩm, tính hiện đại và cả những nội dung tư tưởng như chia sẻ của chính các tác giả tại cuộc gặp ở đây.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên - đại diện ban giám khảo - nhận định
Buổi gặp gỡ cũng là một dấu mốc "sơ kết giữa chặng", tính từ khi cuộc vận động sáng tác này phát động hồi tháng 12-2015.
Theo nguyên tắc hiển danh của cuộc thi (do Nhà xuất bản Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức), Nhà xuất bản Trẻ đã phát hành 8 tác phẩm vào chung khảo đầu tiên gồm 6 truyện dài và 2 tập truyện ngắn.
Tạm yên tâm về chất lượng
Theo ghi nhận của ban tổ chức, Văn học tuổi 20 kỳ này có sự áp đảo về số lượng truyện dài so với tập truyện ngắn (thống kê đến nay là 178 truyện dài/35 tập truyện ngắn nhận được).
Trong 8 tác phẩm vào chung khảo đã được ra mắt có đến 4 tác phẩm thuộc thể loại văn học kỳ ảo: Chuyến tàu nhật thực của Đinh Phương, Cánh đồng ngựa của Nguyên Nguyên, Thỏ rơi từ mặt trăng của Nguyễn Dương Quỳnh, Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng.
Bốn tác phẩm còn lại có Người kể chuyện tình trên phố yêu thương của Yudin Nguyễn và Cô ấy khiêu vũ một mình của Tịnh Bảo thuộc chủ đề tình yêu; Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải của Nông Quang Khiêm cùng Bữa đời lạc phận của Ka Bình Phương là hai tác phẩm xoáy vào đề tài phản ánh hiện thực đời sống hiện đại.
Trong số các tác giả, Đinh Phương từng được chú ý với tiểu thuyết Nhụy Khúc và tập truyện Đợi đến lượt.
Chuyến tàu nhật thực lần này gửi cho Văn học tuổi 20 dùng bút pháp xen kẽ các lớp tình tiết để tái hiện nhiều khung thời gian trong toàn tuyến truyện, nổi lên là ám ảnh về cái chết trở đi trở lại trong các nhân vật...
Với Yudin Nguyễn, tác phẩm dự thi Văn học tuổi 20 cũng là quyển sách thứ ba của cô. Còn với tác phẩm đầu tay nhân Văn học tuổi 20 lần này, Đặng Hằng tự tin thâm nhập vào đề tài tiểu thuyết lịch sử.
Cô cho nhân vật thời hiện đại làm một chuyến "xuyên không" quay về lịch sử, trở lại bối cảnh cuộc chiến vệ quốc hồi thế kỷ 13 với những nhân vật lịch sử thời Trần.
"Quyền lực" của bạn đọc
Là thành viên ban tổ chức và đồng hành với Văn học tuổi 20, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức kênh bình chọn online dành cho bạn đọc đánh giá các tác phẩm Văn học tuổi 20 lần này trên trang web của Nhà xuất bản từ tháng 7-2017.
Đây là điểm mới so với các kỳ Văn học tuổi 20 trước đây, được ông Dương Thành Truyền - trưởng ban tổ chức - ví von rằng bạn đọc đang có "quyền lực riêng" đối với cuộc thi.
Bởi thông qua kênh bình chọn này, tác giả của tác phẩm được yêu thích nhất sẽ nhận được một giải thưởng trị giá 20 triệu đồng, độc lập với kết quả xét giải của ban giám khảo.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng dành ra các giải thưởng cho bạn đọc có bình chọn hay.
Khao khát văn chương
Lấy câu chuyện Văn học tuổi 20 làm nền để cùng trao đổi về sáng tác văn chương, nhiều bạn đọc trẻ đã tập trung vào Đặng Hằng bởi câu chuyện về đề tài lịch sử ít nhiều gây chú ý.
Đặng Hằng cho biết để thực hiện quyển tiểu thuyết Nhân gian nằm nghiêng, cô đã kết nối với nhiều người am hiểu lịch sử để tìm hiểu và học hỏi các thông tin liên quan đến bối cảnh lịch sử thế kỷ 13 và cả cách trang phục, ăn nói, các quan hệ... đồng thời tìm đọc trong nhiều bộ sử, mà Đại Việt sử ký toàn thư là quyển nền tảng.
Trong khi đó, Đinh Phương bộc bạch rằng dựng câu chuyện Chuyến tàu nhật thực là một cuộc khám phá nội tâm, ít ra là nội tâm của chính tác giả.
Tôi dựng lên các nhân vật và tôi sống với các nhân vật đó mỗi ngày, với chỉ tiêu phải viết cho được một số lượng tầm 1.000 đến 2.000 chữ.
Tác giả Đinh Phương
Điều này khiến các bạn sinh viên khoa văn đặt vấn đề: Khi sáng tác như vậy, liệu tác giả có bị áp lực không?
Câu trả lời từ Đinh Phương là: Để hoàn thành một quyển tiểu thuyết thì chỉ có cách là viết thôi và viết theo đúng kế hoạch để tạo thói quen. Đồng thời chính cách đó cũng sẽ tạo phản xạ khi ngồi vào bàn thì có hứng khởi viết, thay vì chờ có hứng khởi rồi mới ngồi vào bàn.
Một số bạn đọc lại muốn được hướng dẫn nên chuẩn bị những gì nếu lựa chọn con đường viết văn để theo đuổi.
Ở khía cạnh này, nhà văn Phan Hồn Nhiên đưa ra một quan niệm: Viết cũng chính là sống. Nếu viết cho vui thì sao cũng được, nhưng nếu viết là lao động nghệ thuật thì ở đó có khó khăn, có lao tâm khổ tứ và cần có kế hoạch.
Bạn đến với văn chương bằng thái độ thế nào thì sẽ có cách tương ứng để làm việc thôi.
Nhà văn Phan Hồn Nhiên chia sẻ
Những câu hỏi và trao đổi về văn chương như muốn kéo dài ra không dứt.
Trưởng ban tổ chức Dương Thành Truyền phải nhận xét rằng đây là một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa những người khao khát văn chương và khao khát dấn bước vào con đường sáng tác cùng chữ nghĩa, nổi lên trong các tâm sự của bạn đọc trẻ viết và đọc tuổi 20 hôm nay là mong muốn mạnh mẽ về việc phát triển văn hóa đất nước.
Đó cũng là chiều sâu của một cuộc vận động sáng tác.
Tác giả Đinh Phương (bìa trái) đang nói về cách viết theo chỉ tiêu hàng ngày để tạo thói quen trong sáng tác - Ảnh: L.Điền
Dời thời hạn nhận tác phẩm đến tháng 5-2018
Văn học tuổi 20 lần 6 phát động từ tháng 12-2015 đến tháng 9-2017 đã nhận được 213 tác phẩm. 50% người dự thi là lứa tuổi 9X, phần lớn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc vừa mới ra trường vào đời lập thân lập nghiệp.
Lần này, số lượng tác giả phía Bắc dự thi tăng cao. Ngoài ra, còn có các tác giả Việt Nam từ các nước Úc, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Singapore...
Ban tổ chức nhân dịp này dời thời hạn nhận tác phẩm đến ngày 31-5-2018 (thay vì tháng 1-2018 như ban đầu), lễ tổng kết trao giải sẽ diễn ra ngày 9-9-2018.
Ban giám khảo cuộc thi gồm PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn.