TTO - Năm học 2017-2018, Trường tiểu học Thị Trấn 2 (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) chủ trương không thu bất kỳ khoản phụ phí nào với học sinh ngoài bảo hiểm y tế và bảo hiểm toàn diện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hoài Thu - hiệu trưởng nhà trường, cho biết chủ trương được đưa ra sau khi hội đồng sư phạm trường họp phiên đầu tiên đầu năm học mới.
Phụ huynh rất vui mừng
* Thưa bà, từ đâu trường quyết định sẽ không thu bất kỳ khoản phụ phí nào?
- Ngày 31-8, tôi được điều chuyển từ Trường tiểu học Thị Trấn 1 về công tác tại Trường tiểu học Thị Trấn 2. Khi bàn giao từ nguyên hiệu trưởng, số tiền được phân bổ dành cho "chi khác" của đơn vị năm 2017 là trên 461 triệu đồng.
Trong quý 1 và 2-2017, nguyên hiệu trưởng đã chỉ đạo chi 348 triệu đồng cho mua sắm, sửa chữa... Số còn lại bàn giao cho tôi quản lý là 113 triệu. Với nguồn kinh phí còn lại sau khi dự toán chi tiết cho bốn tháng cuối năm 2017 tôi thấy đã đủ, đảm bảo nhu cầu hoạt động của đơn vị.
Bản thân tôi cũng huy động được sự hỗ trợ của mạnh thường quân cho việc nâng cấp sửa chữa nhà vệ sinh của trường, hỗ trợ hoạt động phong trào của học sinh. Cho nên tôi chủ trương không thu của học sinh các khoản đóng góp khác.
Khi thông tin đưa ra, phụ huynh rất phấn khởi, vui mừng.
* Không thu phụ phí, trường có gặp khó khăn về tài chính trong hoạt động, chuyên môn?
- Ông bà ta có câu "Liệu cơm, gắp mắm". Làm gì thì làm và dù ở vị trí nào cũng phải tuân thủ pháp luật, làm những việc được pháp luật cho phép.
Việc tùy tiện đưa ra những khoản thu không hợp lý, không đúng quy định của pháp luật để bao biện cho việc "thu từ cha mẹ học sinh đảm bảo chất lượng dạy học" là điều cá nhân tôi không thể thực hiện.
Nếu cơ sở vật chất không đảm bảo, trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà trường phải tham mưu, đề xuất một cách chi tiết, cụ thể đến đơn vị chủ quản là phòng GD-ĐT để điều tiết, phân bổ cho các trường hợp lý.
Khi phân bổ hợp lý, chắc chắn nhu cầu chi của nhà trường sẽ đảm bảo. Khi đó sẽ không phải "nhòm ngó" vào túi của cha mẹ học sinh để rồi bày ra đủ mọi khoản thu bắt học sinh phải đóng.
Hằng năm trường đều có ngân sách để chi các khoản tiền trên. Cụ thể năm học này ngân sách đã phân bổ về trường hơn 500 triệu đồng.
Không cần phụ thu
* 500 triệu đồng ấy trường sẽ chi tiêu thế nào?
- Thật ra, 10 năm làm hiệu trưởng chưa bao giờ đơn vị do tôi quản lý được khoán số tiền "chi khác" lên tới 500 triệu.
Với tổng số nhân sự hơn 50 người và trên 1.000 học sinh nhưng chỉ được giao từ 170-180 triệu đồng. Số tiền ấy để chi cho mọi hoạt động của trường như: điện, nước; văn phòng phẩm, công tác phí; các phong trào chuyên môn...
Luôn thiếu trước hụt sau và cũng như các trường khác, tôi phải làm văn bản đề xuất xin UBND xã, thị trấn cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh huy động thêm các nguồn thu khác từ phụ huynh.
Cụ thể như thu phí vệ sinh để thuê người làm vệ sinh; thu quỹ khen thưởng cho học sinh... Mặc dù nói trên tinh thần tự nguyện nhưng các khoản thu ấy được "chia đều" cho học sinh đóng góp. Căn cứ vào văn bản pháp luật thì việc thu này sai quy định.
Năm học này chúng tôi đã dự toán đủ và sử dụng chi li cho từng tháng, ưu tiên điện, nước và văn phòng phẩm cho giáo viên. Ngoài ra, huy động mạnh thường quân hỗ trợ cho các hoạt động phong trào của học sinh.
* Chủ trương của trường có được sự ủng hộ cơ quan quản lý?
- Sau khai giảng, tôi đã có báo cáo nhanh về chủ trương này cho UBND huyện. Nếu chủ trương này không đúng, tôi nghĩ huyện đã có văn bản chỉ đạo khác. Hiện tại chưa có. Nhưng tôi tin chủ trương này được người dân có con em đang theo học tại trường tôi ủng hộ cao.
* Theo bà, việc phân bổ kinh phí hoạt động cho các trường nên như thế nào cho hiệu quả?
- Phân bổ kinh phí phải công khai và không có tình trạng "đầu chuột đuôi voi". Nghĩa là, theo tôi được biết, đầu năm ngân sách "chi khác" phân bổ cho các trường tương đối đồng đều.
Tuy nhiên trong năm với lý do "bổ sung" để những trường được chọn lựa "xây dựng điểm, xây dựng chuẩn" thì nguồn kinh phí bổ sung ấy chỉ có Phòng GD-ĐT và trường đó biết. Nên có tình trạng đầu năm giao công khai 170 triệu, cuối năm quyết toán 700 triệu đồng.
Chỉ cần Phòng GD-ĐT giữ mức phân bổ cho "chi khác" như tôi đã được tiếp cận các năm trước thì sẽ đảm bảo cho chất lượng dạy và học mà không cần "phụ thu".
Thầy Dương Nghĩa Hon (giáo viên Trường tiểu học Thị Trấn 2):
Tâm trạng giáo viên thoải mái
Tôi thấy phấn khởi khi có quy định mới này. Các khoản phụ phí như quỹ khuyến học, quỹ vệ sinh... hằng năm tính ra mỗi học sinh đóng không nhiều. Nhưng đây là vùng dân cư còn nghèo. Vài trăm ngàn đối với gia đình học sinh là cả vấn đề trong khi ngân sách phân bổ ban giám hiệu cân đối đã đủ.
Những năm trước, đầu năm học thầy cô lại loay hoay với tiền bạc. Cuối buổi phải dành 5, 10 phút nhắc nhở học sinh đóng tiền. Còn hiện giờ tâm trạng giáo viên thoải mái lắm, chỉ tập trung dạy chuyên môn.
Chị Trần Thị Kim Tuyền (phụ huynh học sinh ở thị trấn Vĩnh Thuận):
"Tui mừng trong bụng"
Những năm học trước, sau mùa vụ tôi đều để dành tiền đầu năm đóng cho con từ 200.000-400.000 đồng. Tui cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ thực hiện đóng đầy đủ cho con học tốt. Năm nay tui cũng hơi bất ngờ khi nghe không phải đóng tiền nữa, tui mừng trong bụng.
Để học sinh tự vệ sinh trường lớp
Bà Nguyễn Hoài Thu - Ảnh: THÙY TRANG
"Trường sẽ tiết kiệm chi tiêu bằng cách dạy học sinh tự vệ sinh lớp học, chăm sóc cây cỏ, bảo quản bàn ghế hạn chế bị hư hao. Những ngày đầu năm học, giáo viên đã hướng dẫn học sinh làm tốt việc này. Nên thu phí vệ sinh là không cần thiết và không nên.
Ngoài ra, trường chỉ tổ chức các cuộc thi đúng tính chất để không chạy theo thành tích và trao thưởng tràn lan. Trường quy định màu sắc trang phục. Gia đình tự mua vì màu sắc đồng đều, giữ gìn sạch sẽ là tốt rồi...". - Bà Nguyễn Hoài Thu