TTO – Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “có biện pháp cần thiết” đối với Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trả lời báo chí sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nepal Krishna Bahadur Mahara tại Bắc Kinh ngày 7-9 - Ảnh: Reuters
Trung Quốc cũng đồng thời nhấn mạnh cần sớm nối lại đàm phám các bên để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Phát ngôn trên được ông Vương Nghị đưa ra trước báo giới ngày 7-9, trong bối cảnh Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên Hợp Quốc bằng "các biện pháp phản ứng mạnh mẽ" và cáo buộc Mỹ muốn kích động chiến tranh.
"Sau khi cân nhắc các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc nhất trí rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên có thêm phản ứng và hành động cần thiết (với Triều Tiên)," ông Vương Nghị trả lời báo chí ngày 7-9 sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nepal Krishna Bahadur Mahara tại Bắc Kinh, nhưng không cho biết cụ thể các "hành động cần thiết" đó là gì.
"Bất kỳ động thái nào của cộng đồng quốc tế đối với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đều nên phục vụ cho mục đích kiểm soát các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, đồng thời tạo điều kiện để nối lại đàm phán và tham vấn các bên," Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Phát ngôn trên của được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha tiết lộ Trung Quốc đã "thuận tình với các biện pháp trừng phạt thêm nữa" sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc hôm 5-9.
"Tôi không thể kể ra đây các chi tiết chính xác của cuộc nói chuyện bởi Bộ trưởng (Vương) yêu cầu tôi không làm lộ ra nội dung cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, nhưng tôi có thể nói rằng Trung Quốc có thể thuận tình với các biện pháp trừng phạt thêm nữa," hãng tin Reuters dẫn lời bà Kang cho biết.
Đây được xem là một phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc sau khi Bình Nhưỡng "làm tràn ly" bằng vụ thử bom nhiệt hạch của nước này vào trưa ngày 3-9 vừa qua.
Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn nhất của Triều Tiên, chiếm 92% giá trị xuất khẩu song phương của Triều Tiên trong năm ngoái và là nguồn cung hàng trăm ngàn tấn dầu và nhiên liệu mỗi năm cho nước này, theo Reuters.
Người dân Hàn Quốc theo dõi diễn biến vụ thử bom nhiệt hạch ngày 3-9 của Triều Tiên trên màn hình tivi đặt tại một nhà ga xe lửa ở thủ đô Seoul. - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cũng cho biết ông đã soạn sẵn một sắc lệnh hành pháp về việc trừng phạt kinh tế các quốc gia có giao thương với Triều Tiên để trình Tổng thống Donald Trump ký, trong trường hợp Liên Hợp Quốc không thể thống nhất để đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.
Quan điểm của Mỹ là muốn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp lệnh cấm các nước thành viên xuất khẩu dầu sang Triều Tiên và nhập khẩu các mặt hàng dệt may từ nước này, cũng như cấm thuê lao động Triều Tiên tại nước ngoài.
Mỹ cũng yêu cầu đóng băng các tài sản của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và áp lệnh cấm du lịch đối với ông, theo một dự thảo nghị quyết được Reuters nhìn thấy vào hôm thứ Tư (6-9).
Áp lực từ Washington ngày càng gia tăng kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 6 và lớn nhất từ trước đến nay của nước này ngày 3-9.
Vụ thử này, cộng với một loạt các vụ phóng tên lửa trước đó, chứng tỏ Bình Nhưỡng đã tiến rất gần đến mục tiêu phát triển một loại vũ khí hạt nhân đầy uy lực có thể chạm tới lãnh thổ của Mỹ.
"Chúng tôi sẽ đáp trả các âm mưu trừng phạt man rợ và áp lực từ Mỹ bằng những biện pháp phản ứng mạnh mẽ," đại diện nước này tuyên bố tại một diễn đàn kinh tế diễn ra tại Vladivoctok, miền Đông nước Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hối thúc Trung Quốc tăng cường kiểm soát "người hàng xóm" của mình trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tập Cận Bình ngày 6-9.
Ông Tập Cận Bình khẳng định trong cuộc điền đàm rằng Trung Quốc "sẽ không ngần ngại" trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng đồng thời "kiên quyết bảo vệ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn".