TTO - Ngày 5-9, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) khai giảng năm học với một điểm mới: lần đầu tiên có hai lớp được học chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level).
Học sinh trong lễ khai giảng song bằng tú tài - Ảnh: T.N.
Chứng chỉ A Level được công nhận và đánh giá cao bởi rất nhiều trường đại học trên thế giới như Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard, Đại học Cambridge...
Trước đó, trên 100 học sinh đã trải qua 3 vòng thi gồm 2 vòng thi viết và vòng phỏng vấn để lựa chọn 50 học sinh đầu tiên học chương trình này.
Học sinh sẽ phải học 5 môn bằng tiếng Anh hoàn toàn gồm toán, lý, hóa, kinh tế và tiếng Anh học thuật.
Theo bà Lê Mai Anh, hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, chương trình đạt chuẩn của Hội đồng Khảo thí quốc tế Đại học Cambridge (CIE) gồm có 55 môn học. Tối thiểu các cơ sở thực hiện phải triển khai được 4 môn học. Hiện tại, học sinh học chương trình này sẽ học cả ngày, với 20 tiết/tuần áp dụng với 5 môn học theo chuẩn CIE.
Khác biệt lớn nhất của chương trình này so với chương trình đại trà ở VN là tỷ lệ thực hành, thí nghiệm, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn ở mức cao (40% so với tổng thể).
Phương pháp dạy học cũng là điểm khác biệt đáng kể. "Học sinh sẽ được hướng dẫn để nắm bản chất kiến thức và chủ động vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn", bà Mai Anh chia sẻ.
Về giáo viên, bà Mai Anh cho biết CIE hỗ trợ trong việc tuyển dụng giáo viên. Trước mắt, môn kinh tế và tiếng Anh học thuật sẽ do giáo viên của ĐH Anh quốc đảm nhiệm. Các môn toán, lý, hóa sẽ do giáo viên VN đảm nhiệm. Đây là các giáo viên đã tham gia giảng dạy các môn khoa học tự hiên bằng tiếng Anh tại trường trong các năm qua. Ngoài ra trường mời giảng viên của trường ĐH Bách khoa HN, ĐHQGHN tham gia giảng dạy các môn này.
Tuy nhiên, lần đầu tiên triển khai nên còn có những khó khăn. Theo bà Mai Anh thì phòng thí nghiệm hiện chưa đạt chuẩn. Trong năm 2017 TP Hà Nội sẽ đầu tư một phòng thí nghiệm vật lý đạt chuẩn quốc tế tại trường THPT Chu Văn An, và năm 2018 đầu tư phòng thí nghiệm hóa học.
Hiện tại bàn ghế cho học sinh (chức năng xoay để chuyển từ hình thức truyền thống sang thảo luận nhóm) được một trường ĐH hỗ trợ.
Bà Mai Anh cho biết khi chương trình triển khai sẽ có nhiều vấn đề cần phải được tư vấn. Ví dụ theo yêu cầu, kết quả cuối kì của học sinh mới là điểm số cần quan tâm. Tuy nhiên vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học rất quan trọng. Vì giáo viên VN sẽ phải làm quen với cách đánh giá thường xuyên đối với học sinh trong quá trình dạy học mà không phải thông qua các bài kiểm tra kiểu truyền thống VN. Về phía học sinh cũng cần được tư vấn phương pháp tự học, tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu các vấn đề ứng dụng vào thực tiễn…
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT HN, việc triển khai chương trình này sẽ rất thận trọng trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đảm bảo đúng yêu cầu của đối tác đặt ra.