Sống khỏe

Trở lại 'thủ đô kháng chiến'

TTO - Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh đạo cấp cao đã chuyển về các an toàn khu (ATK) vùng Việt Bắc như Tân Trào (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn) để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trở lại thủ đô kháng chiến - Ảnh 1.

Nơi Bác Hồ ở, làm việc trên đồi Khau Tý khi đặt chân đến ATK Việt Bắc - Ảnh: V.V.TUÂN


“Việc xây dựng ATK đã được khởi đầu trong tầm nhìn xa trông rộng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

Ông Đồng Khắc Thọ

"Ở đâu u ám quân thù Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi Ở đâu đau đớn giống nòi Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền".

Những vần thơ của Tố Hữu đã phần nào nói lên vị trí quan trọng của Việt Bắc suốt những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống Pháp cứu nước.

70 năm sau, những câu thơ ấy đưa chúng tôi trở lại ATK Việt Bắc để đi tìm câu trả lời vì sao Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ lại lựa chọn nơi đây làm "thủ đô kháng chiến"?

Vị trí của Việt Bắc

Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945), thực dân Pháp quyết tâm quay lại đặt ách đô hộ nước ta một lần nữa. 

Sau một thời gian nhân nhượng và nỗ lực vãn hồi hòa bình, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp tối19-12-1946. Trước đó, Bác đã nhắm Việt Bắc làm căn cứ địa kháng chiến.

Thạc sĩ sử học Đồng Khắc Thọ, trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa (Thái Nguyên), phân tích: từ khi hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm, nghiên cứu về Thái Nguyên là nơi có địa chính trị chiến lược trung tâm vùng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất. Đây vừa là cửa ngõ của Việt Bắc, lại tiếp giáp với Hà Nội.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng kể lại: "Thời kỳ tiền khởi nghĩa khi Bác về Pác Bó đã có ý định phát triển cơ sở xuống Thái Nguyên - một địa bàn quan trọng, tiến có thể đánh, lui có thể giữ và nhân dân ở đây có truyền thống cách mạng...". 

Chính vì vậy, con đường nam tiến bí mật từ Cao Bằng về Thái Nguyên đã được mở thông vào tháng 3-1943. 

"Đó không chỉ là con đường đảm bảo cung cấp lương thực, nơi dừng chân, tránh những cuộc tập kích của địch, mà còn là "con đường của lòng dân" đón những người yêu nước tiến gần hơn về Hà Nội để lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám" - thạc sĩ Đồng Khắc Thọ nói.

Như đoán trước ngày quay lại đây để trường kỳ kháng chiến chống Pháp, khi rời Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 22-8-1945 để trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Trần Thị Minh Châu... ở lại củng cố chính quyền, các cơ sở Đảng, giúp dân xây dựng đời sống mới với lời căn dặn: "Biết đâu ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa".

Trở lại thủ đô kháng chiến - Ảnh 3.

Suối Đình - nơi Bác Hồ tắm giặt, câu cá khi ở lán Khuôn Tát (xã Phú Đình, ATK Định Hóa) trong những năm kháng chiến - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Căn cứ địa lòng dân

Tháng 10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Bí thư Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại đấy, chọn địa điểm và chuẩn bị phương án xây dựng căn cứ địa kháng chiến. 

Tháng 11-1946, trung ương thành lập đội công tác đặc biệt do Trần Đăng Ninh, ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách gồm đại diện các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể nghiên cứu và chọn vị trí an toàn để đặt các cơ quan đầu não kháng chiến.

Các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) từ đó trở thành "thủ đô kháng chiến" của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Từ đầu năm 1947, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, Bộ Quốc phòng... lần lượt chuyển đến ATK Việt Bắc. 

Hơn 39.400 tấn máy móc, nguyên vật liệu cùng hàng vạn tấn lương thực, muối, hàng triệu mét vải cùng các nhu yếu phẩm khác được quân và dân ta chuyển lên căn cứ địa này.

Sau khi rời Sơn Tây qua bến đò Trung Hà, sang Phú Thọ đến Tuyên Quang, ngày 20-5-1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến đồi Khau Tý, xóm Nạ Tra (nay là xã Điềm Mặc) của ATK Định Hóa cùng tám chiến sĩ giúp việc được cụ đặt tên là Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Đồi Khau Tý cũng là nơi đặt Phủ chủ tịch đầu tiên tại "thủ đô kháng chiến".

Đến tháng 8-1947, khi quân Pháp nhảy dù xuống Việt Bắc thì Bác Hồ di chuyển đến thôn Bản Ca, xã Bình Trung (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Bác cho dựng lán ngay giữa cánh đồng Bản Ca, trước mặt là suối Bản Ca chảy uốn lượn thành hình vòng cung ôm lấy cánh đồng. 

Đầu năm 1948, Bác Hồ cùng nhiều cơ quan trung ương lại đến ở tại địa bàn thôn Nà Quân cũng ở xã Bình Trung. Tại đây, lán của Bác cách lán của đại tướng Võ Nguyên Giáp khoảng 100m, cách hội trường Trung ương Đảng 300m.

Theo ông Nguyễn Tiến Trình - phó trưởng Phòng văn hóa thông tin huyện Chợ Đồn, các cơ quan trung ương lúc ấy thường đóng gần nhau để thuận tiện cho việc trao đổi, bàn bạc công việc. 

"Việc xây dựng ATK đã được khởi đầu trong tầm nhìn xa trông rộng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh" - ông Đồng Khắc Thọ nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Trình, "ATK Việt Bắc không chỉ là nơi có địa thế thuận lợi, khi lực lượng mạnh có thể tiến về giải phóng Hà Nội và các tỉnh miền xuôi, khi khó khăn có thể chiến đấu lâu dài, dựa vào nền kinh tế tự cung tự cấp. 

Lúc nguy cấp có thể nhanh chóng rút lên Cao Bằng. Các huyện trong ATK dù ở các tỉnh khác nhau nhưng nằm tiếp giáp liên thông, kết nối với nhau. Bác Hồ chọn Việt Bắc làm ATK không chỉ bởi địa lợi, nhân hòa mà đó còn là căn cứ địa của lòng dân".

Trở lại thủ đô kháng chiến - Ảnh 4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và những vị lãnh đạo khác tại ATK Định Hóa năm 1947 - Ảnh tư liệu

Kỳ tới: Những quyết sách lớn từ ATK Định Hóa

Tiêu chí chọn địa điểm

Theo lời kể của những người dân địa phương, suốt những năm chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan trung ương thường xuyên di chuyển đến nhiều địa điểm trong ATK Việt Bắc. Các địa điểm ấy phải đảm bảo tiêu chí:

"Trên có núi, dưới có sông.

Có đất ta trồng, có bãi ta chơi.

Tiện đường sang tổng bộ.

Thuận lối tới trung ương.

Nhà thoáng ráo, kín mái.

Gần dân không gần đường".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,888       716