Sống khỏe

​“Ba động” và “ba bước“

TTO - Gần đây, dư luận đang có luồng tin về cách bảo vệ sức khỏe cho người có tuổi đó là “ba động” và “ba bước”. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với kỹ sư Cao Hoài Trung - chủ tịch Hội Trang thiết bị y tế TP.HCM.

Kỹ sư Cao Hoài Trung (phải) trò chuyện về cách giữ sức khỏe ở người có tuổi  Ảnh: Ngọc Dương
Kỹ sư Cao Hoài Trung (phải) trò chuyện về cách giữ sức khỏe ở người có tuổi - Ảnh: Ngọc Dương

* PGS.TS Nguyễn Hoài Nam: Thưa anh, có phải để giữ gìn sức khỏe tốt, ngoài các yếu tố như dinh dưỡng, chăm sóc y khoa... người có tuổi còn cần hướng cuộc sống và các hoạt động theo “ba động" phải không?

- KS Cao Hoài Trung: Rất đúng, từ kinh nghiệm bản thân tôi và một số bạn bè thân thiết chúng tôi thấy để có sức khỏe tốt, con người và nhất là người có tuổi nên thực hiện theo phương pháp “ba động”. Đó là:

Thứ nhất, luôn luôn giữ cơ thể ở trạng thái vận động, đi bộ chạy chậm, làm việc nhà, làm vườn, tập thể dục... tức là phải luôn vận động ngay từ khi sáng sớm lúc mới ngủ dậy cho đến khi trời tối lúc lên giường.

Thứ hai là phải luôn động não. Luôn giữ cho não mình ở trạng thái hoạt động bằng cách chia sẻ, trao đổi hay tranh luận với bạn bè, đọc sách, viết văn viết thơ hay ghi nhật ký, học ngoại ngữ và nhiều chuyện khác. Nhưng nhớ là không để suy nghĩ quá căng thẳng gây stress.

Và thứ ba là phải động ham muốn. Tức là cuộc sống dù về già, có tuổi vẫn phải luôn có những đam mê, hoài bão, có tình yêu đôi lứa và tình yêu đối với quê hương đất nước, con người và công việc. Niềm đam mê khiến bạn trẻ lại, yêu đời và tràn đầy sức sống.

* Vậy còn thế nào là “ba bước”, thưa anh?

- “Ba bước” chính là việc cụ thể hóa của “ba động” bằng hành động thôi, không có gì phức tạp.

Mỗi buổi sáng, bạn nên đứng trước gương, nhìn vào gương quan sát và nói to một vài điều mình đang suy nghĩ để xem thanh, sắc và thần thái của mình như thế nào. Để từ đó xem phần nào còn chưa được tốt sẽ cố gắng bồi đắp cho đủ trong ngày.

Ông bà ta ngày xưa thường nói: Nhất thanh nhì sắc ba thần. Làm gì thì làm phải giữ cho thanh và thần sắc tốt tươi nhuận, biểu hiện của sức khỏe tốt, tinh thần trong sáng là điều đáng quý nhất của mỗi con người khi về già.

Sau đó là tăng cường hoạt động của trí não bằng cách tập thiền, tập yoga... nhằm tập trung năng lượng của cơ thể và não bộ về một vấn đề, giúp cơ thể thăng hoa và cảm thấy khoan khoái, các loại nội tiết tố được gia tăng trong cơ thể và nhờ đó bạn sẽ có một thân hình gọn đẹp phù hợp với các tiêu chuẩn về thẩm mỹ ở người có tuổi.

Bước cuối cùng là phải tập bế tinh, như trong phương châm của Tuệ Tĩnh là bế tinh dưỡng khí tồn thần, thanh tâm quả dục thủ chân luyện hình. Đây là điều rất quan trọng mà ông bà ta đã thực hiện hàng ngàn năm qua. Phải có đam mê và ham muốn, nhưng đôi lúc cũng phải tìm cách giải quyết đam mê ấy bằng những hình thức hoạt động trong sáng.

* Còn việc bế tinh mà Tuệ Tĩnh nêu ra có khác gì việc bế tinh trong Tố Nữ kinh không?

- Hoàn toàn khác nhau. Việc bế tinh trong Tố Nữ kinh là việc làm trong chốc lát với đối tượng là những bậc quyền quý có quá nhiều phụ nữ và nhiều sự lựa chọn.

Còn bế tinh theo Tuệ Tĩnh là cho mọi người, tức là điều hòa việc sinh hoạt tình dục. Sinh hoạt tình dục điều độ, tùy lứa tuổi, nhu cầu và mức độ sinh tinh của mỗi người. Không cố gắng quá, cũng như không đè nén quá. Tất cả dù ở thái cực nào cũng đều không tốt.

BS NGUYỄN HOÀI NAM thực hiện
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,371,418       652