Sống khỏe

Người dùng Trung Quốc kiện người bán đông trùng hạ thảo

TTO - Hàng triệu người Trung Quốc ăn đông trùng hạ thảo vì lý do tăng cường sức khỏe đang lo lắng và cả nổi giận khi tiền mất tật mang do bỏ ra số tiền quá lớn để mua thứ mà họ lầm tưởng là “thần dược" trị bách bệnh.

Người dân Trung Quốc tìm đông trùng hạ thảo ở cao nguyên Thanh Tạng - Ảnh: cnfood.cn
Người dân Trung Quốc tìm đông trùng hạ thảo ở cao nguyên Thanh Tạng - Ảnh: cnfood.cn

Có người đã khởi kiện công ty bán đông trùng hạ thảo.

Dân Trung Quốc 
hoang mang

“Nhà chúng tôi có người mắc bệnh ung thư bao tử. Nghe nói ăn đông trùng hạ thảo có thể chữa được bệnh nên tôi đã cắn răng bỏ ra 16.000 USD mua nửa ký từ Tây Tạng. Giờ nghe báo đài đưa tin loại này không phải là thần dược, tôi rất hoang mang” - báo Kinh Tế Trung Quốc dẫn lời bà Dương Mẫn Hiền ở Bắc Kinh cho biết.

Cũng như bà Dương, nhiều người Trung Quốc khác đang bức bối vì bỏ ra quá nhiều tiền mua đông trùng hạ thảo nhưng không biết mình có mua phải hàng đúng chất lượng như quảng cáo không.

Doanh nhân Thẩm Đồng ở tỉnh Chiết Giang kể ông đã chi 130.000 USD mua đông trùng hạ thảo ăn hằng ngày nhằm tăng cường sinh lực nam giới. Nhưng trước rừng thông tin hỗn loạn, thêm vào đó là những bình luận của giới chuyên gia rằng loại này có khả năng không phải là thần dược khiến ông thấy giận dữ.

Tòa án quận Hải Điện, thành phố Bắc Kinh cũng vừa thụ lý một vụ kiện liên quan đến đông trùng hạ thảo. Vì cho rằng đã mua phải loại thực phẩm không đúng với quảng cáo là có chứa đông trùng hạ thảo tăng cường sức khỏe, ông Ngô sống ở Bắc Kinh đã đệ đơn lên tòa án kiện bên bán là Công ty TNHH mua bán các sản phẩm về sức khỏe Tế Nam Hân, đòi hoàn trả tiền mua hàng và bồi thường gấp 10 lần số tiền ông đã bỏ ra.

Mạng Kỹ thuật khoa học thực phẩm Trung Quốc cho biết ngày 1-4 ông Ngô đã mua hai phần thực phẩm chức năng dạng nước có chứa phần lớn chất đông trùng hạ thảo như quảng cáo trên.

Song sau khi mua về và nghiên cứu thông tin thêm về sản phẩm, ông Ngô biết rằng đông trùng hạ thảo chỉ có thể là thành phần thêm vào các loại thuốc trung y bào chế chứ không thể cho trực tiếp vào trong thực phẩm.

Cho rằng công ty trên đã vi phạm quy định tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nên ông nhờ sự hỗ trợ của tòa án.

Số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cảnh báo tình trạng bùng nổ dùng đông trùng hạ thảo trong ngành đông y của nước này đang đẩy loài này đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Vì lợi nhuận quá cao nên thương lái đổ xô lên các vùng cao nguyên Thanh Tạng để gom hàng, bất chấp xung đột chết người đã từng xảy ra giữa những nhóm người phu đào đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên.

Chỉ tính riêng năm 2015, ngành buôn bán đông trùng hạ thảo đã thu được 516 tỉ nhân dân tệ (hơn 79,4 tỉ USD) từ việc kinh doanh loại “cỏ thần” này, chiếm 31% tổng sản lượng đầu ra của ngành dược Trung Quốc.

Sẽ đề nghị làm tờ gấp hướng dẫn phân biệt dược liệu

Bà Trần Thị Hồng Phương - phó cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế - đã đề xuất như vậy khi trao đổi về “cú lừa ngoạn mục” đang được báo chí Trung Quốc đăng tải xung quanh chất lượng và hiệu quả sản phẩm đông trùng hạ thảo.

Bà Phương cho biết gần đây khi qua Trung Quốc, bà đã đi khảo sát cửa hàng bán đông trùng hạ thảo. Họ bày ra hàng chục loại sản phẩm và nói có loại 1, loại 2, loại 3; sản phẩm loại 3 (khoảng 3.000 con/kg) có giá khoảng 50 triệu đồng/100 gr (giá đã được chiết khấu tại Trung Quốc). Loại con to 2.000-2.500 con/kg thì giá đắt hơn nhiều.

“Nhưng nói thật là ngay như tôi cũng khó phân biệt được, nếu mua thì chỉ bằng niềm tin là chính” - bà Phương chia sẻ.

Để hướng dẫn người dân khỏi “tiền mất tật mang” trước những thông tin nhiễu loạn về đông trùng hạ thảo như hiện nay, bà Phương cho rằng ngoài đông trùng hạ thảo đang có nhiều loại sản phẩm và nhiều loại giá, như loại quảng cáo ở VN là đông trùng hạ thảo tự nhiên giá 100 triệu đồng/kg thì chắc chắn là chất lượng không ổn, mà bỏ ra 100 triệu đồng mua phải sản phẩm chất lượng tồi là điều không thể chấp nhận được, chưa kể ngay cả hàng chuẩn cũng không phải ai dùng cũng tốt.

“Chúng tôi đang rất mong làm được loại tờ gấp hướng dẫn cơ bản cách phân biệt hàng thật - hàng giả với một số dược liệu giá cao và đang được mua bán nhầm loài, chất lượng có trục trặc. Nếu có hướng dẫn phân biệt thì người dân sẽ bước đầu có thể có kiến thức khi mua bán dược liệu, sản phẩm từ dược liệu” - bà Phương nói.

Hàm lượng hoạt chất thấp,
chỉ còn là thực phẩm

TS Trương Bình Nguyên - viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Đại học Đà Lạt), chuyên gia nghiên cứu về đông trùng hạ thảo - cho biết đông trùng hạ thảo là tên gọi thông thường của loài nấm có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis (trước đây là Cordyceps sinensis).

Hiện nay thế giới có ba loài trong nhóm nấm này được nuôi trồng trên quy mô công nghiệp với các mức độ khác nhau là: đông trùng hạ thảo (Ophiocordyceps sinensis), nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) và đông trùng hạ thảo tằm dâu (Cordyceps takaomontana).

Trong đó, loài Ophiocordyceps sinensis là loài phân bố rất hẹp, thường được tìm thấy ở độ cao trên 3.500m là có giá trị cao nhất. Đây là loài mà con người vẫn chưa thể nuôi trồng nhân tạo cho ra quả thể như tự nhiên được. Việc sản xuất loài nấm này mới chỉ thành công ở mức nuôi trồng sinh khối hệ sợi.

Ngoài ra, TS Nguyên lưu ý khi hàm lượng hoạt chất ở nồng độ thấp, đông trùng hạ thảo chỉ có thể là thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng mà thôi!

Nhiều bài thuốc tác dụng tương tự mà giá thành thấp hơn nhiều

Nói về công dụng của đông trùng hạ thảo, bác sĩ Hà Tường Phong - bác sĩ chuyên khoa I khoa nội tổng hợp Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM - cho biết theo y học cổ truyền, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ấm vào hai kinh thận và phế, có công năng dưỡng phế, bổ thận, ích tinh được dùng để trị phế hư khái xuyễn, thận suy dương nuy (liệt dương), di tinh, lưng đau gối mỏi...

Hiện nay, Bệnh viện Y học cổ truyền sử dụng một số bài thuốc khác thay thế, tác dụng tương tự mà giá thành thấp hơn nhiều.

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Văn Năm - nguyên viện phó Viện Y học dân tộc TP.HCM, đông trùng hạ thảo có một số tác dụng cho sức khỏe như: tăng sức đề phòng nhiễm một số bệnh do vi khuẩn - virút; tăng độ lọc cầu thận (tốt cho người bệnh thận mạn tính giai đoạn đầu); hạ men gan, tăng nội tiết tố testosterone (hỗ trợ điều trị suy sinh dục); kiểm soát sự phát triển của một vài loại tế bào ung thư, ổn định đường huyết...

Tuy nhiên, do nguồn gốc loại thuốc này khó kiểm soát và giá tiền rất cao nên không được các thầy thuốc sử dụng phổ biến.

NHÓM PV
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,367,694       755