TTO - Không dùng chất bảo quản, có nguồn gốc tự nhiên và dinh dưỡng sức khỏe là xu hướng sáng tạo mà đa số sinh viên theo đuổi trong khuôn khổ hội thi “Sinh viên sáng tạo sản phẩm mới” năm 2016 với chủ đề “Thực phẩm xanh - sạch - an toàn”.
Ban giám khảo chấm điểm sản phẩm tham gia hội thi - Ảnh: Hồng Diểm |
“Những sản phẩm tốt chúng tôi sẽ giới thiệu cho Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để trung tâm tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên có thể phát triển sản phẩm của mình, có thể thành lập doanh nghiệp, thương mại hóa sản phẩm mà các bạn sáng tạo |
Ông Trần Đức Sự (phó giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ) |
Hội thi diễn ra trong không gian xanh mát của một khu du lịch thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM với sự tham gia của khoảng 200 sinh viên ở các trường ĐH trên địa bàn thành phố, do Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Công nghiệp TP.HCM) và Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) tổ chức.
Giữa thời tiết nắng nóng tháng 4, một bữa tiệc món ăn sáng tạo, lạ miệng, đặc biệt là xanh và sạch là niềm ước ao của nhiều người.
Đặt mục tiêu vì lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng, nhiều sản phẩm được chế biến để trở thành thực phẩm chức năng dễ ăn, tiện dụng như bánh đa từ gạo Huyết Rồng, mì ăn liền không chiên bổ sung bột gạo lứt đỏ nảy mầm, mứt vỏ dưa hấu vị chanh dây, sữa chua atisô, nước ép sơri lên men bổ sung probiotics...
Dù chỉ được sản xuất ở quy mô nghiên cứu nhưng hầu hết sản phẩm đều được kiểm tra chất lượng trong phòng thí nghiệm, được bao bì, đóng gói chuyên nghiệp không thua gì các mặt hàng bán trong siêu thị.
Giữa nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn, hội thi như một “thiên đường” ẩm thực ngon và lành cho mọi người. Bạn Trần Thị Diễm Trang (ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết: “Mình thấy hội thi có nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường về độ sạch, ngon và giá thành rẻ. Bây giờ mua đồ về nấu ăn, nhất là mua ở chợ, lo lắng lắm vì không biết rõ nguồn gốc và chất lượng như thế nào. Lo thì lo nhưng vẫn phải mua vì không mua thì biết lấy gì mà nấu?”.
Biết thông tin về hội thi sáng tạo thực phẩm sạch, chị Huỳnh Hồng Kip, quận 2, TP.HCM, chia sẻ: “Tôi thấy rất mừng và ủng hộ sản phẩm của các em vì đó là điều mà nhiều bà nội trợ như tôi rất cần. Hi vọng những sản phẩm an toàn tại hội thi sẽ được sản xuất rồi bán ra thị trường để người dân có thể mua về sử dụng, an tâm hơn so với nhiều sản phẩm khác ngoài thị trường bây giờ”.
Ngoài mục tiêu tạo ra sản phẩm ngon, sạch, nhiều sinh viên mong muốn giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân. “Đầu tiên, em chủ yếu nhắm tới làm tăng giá trị kinh tế của quả sơri và thanh long. Thực tế là có nhiều nhà vườn thường rơi vào cảnh được mùa mất giá. Khi nông sản được chế biến công nghiệp, bán đại trà sẽ làm tăng giá trị của quả thanh long và sơri cho người trồng” - bạn Lê Văn Tài, đại diện nhóm sáng tạo “nước sơri thanh long lên men”, chia sẻ.
Hầu hết sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên. Trên nền tảng bổ sung hương vị truyền thống hoặc thực phẩm chức năng, sản phẩm tăng thêm giá trị dinh dưỡng tự nhiên tốt cho cơ thể. Đa số sinh viên nói không với chất bảo quản thực phẩm, chủ yếu dùng cách lên men vi sinh, sấy khô, hút chân không nên thời hạn sử dụng còn hạn chế.
“So với năm trước, năm nay các em đầu tư tốt hơn. Các ý tưởng phong phú, đa số sản phẩm không sử dụng chất bảo quản nên khi đưa vào sản xuất thực tế thì vấn đề này phải cân nhắc sửa đổi, bổ sung theo quy trình. Không sử dụng chất bảo quản thì khả năng ứng dụng đưa vào sản xuất sẽ khó. Khoảng 10% sản phẩm hôm nay có thể đưa ra thị trường” - ThS Tăng Trí Hưng (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn), thành viên ban giám khảo, cho biết.
Ban giám khảo của hội thi bao gồm đại diện doanh nghiệp, chuyên viên kỹ thuật - công nghệ thực phẩm, chuyên gia ẩm thực tham gia nếm và chấm điểm sản phẩm. Ngoài tiêu chí về ngon, xanh, sạch, an toàn, các sản phẩm cần có tính ứng dụng thực tế, tiềm năng cho sản xuất thương mại.
Sau khi nếm thử các sản phẩm, ban giám khảo đã có buổi giao lưu trực tiếp với sinh viên về những điểm tốt, chưa tốt ở một số sáng tạo ấn tượng, góp phần nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm.
Nhiều sản phẩm không được ban giám khảo đánh giá cao vì tính thương mại còn hạn chế. Nhưng phản hồi tích cực của thực khách hứa hẹn mở ra cơ hội kinh doanh tại gia cho các nhóm sinh viên sau cuộc thi.