Sống khỏe

Người tuyên chiến với hủ tục cắt âm vật

TTO - Jaha Dukureh, người phụ nữ gốc Gambia vừa có tên trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time .

Jaha Dukureh - Ảnh: Time24
Jaha Dukureh - Ảnh: Time24

Thành tích nào đã mang lại vinh dự này cho Jaha Dukureh? Muốn biết điều này, người ta phải trở lại quá khứ nhiều đau đớn của cô.

15 tuổi, Jaha rời đất nước Gambia ở Tây Phi tới Mỹ theo một cuộc hôn nhân được dàn xếp.

Tuy nhiên trước chuyến ly hương, cô bị ép buộc phải trải qua hủ tục đáng sợ nhất: nghi lễ cắt âm vật - như một “tấm thẻ trinh tiết” và chứng tỏ sự trưởng thành. Đó là thủ thuật cắt bỏ nếp da bao quanh âm vật vốn rất phổ biến ở châu Phi và một số nước theo đạo Hồi.

Người ta tin rằng tập tục này sẽ giúp các bé gái giữ được sự trong sạch, bảo vệ trinh tiết trước khi lập gia đình.

Tuy nhiên với những cô gái như Jaha Dukureh, tập tục đó thật sự chỉ gây nỗi đau đớn về thể xác và để lại vết sẹo tinh thần suốt quãng đời về sau.

Vì lẽ đó khi đã ở Mỹ, Jaha bắt tay thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên “Safe hands for girls” (Bàn tay an toàn cho các thiếu nữ) tại Atlanta.

Đây là tổ chức hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức cho mọi người về hủ tục cắt âm vật (thuật ngữ gọi tắt theo tiếng Anh là FGM), hỗ trợ các cô gái đã trải qua thủ thuật và tích cực vận động chấm dứt hủ tục đáng 
sợ này.

Nhờ các nỗ lực không ngừng của Jaha, mùa thu năm ngoái Chính phủ Gambia đã ban hành lệnh cấm tiến hành hủ tục FGM với các bé gái.

Nhà báo Peggy Orenstein của tạp chí Time viết về Jaha và sự dũng cảm đối mặt với nỗi đau của cô: “Đôi khi trước một điều gì đó không thể chịu nổi, chúng ta thường ngoảnh mặt đi, che giấu xúc cảm và lý trí để giữ lấy sự bình yên. Thế nhưng bằng cách phản ứng hủ tục cắt âm vật, Jaha Dukureh đã buộc nỗi kinh hoàng phải lên tiếng”.

Không chỉ châu Phi mà ngay tại Mỹ, các em gái đang sống trong những cộng đồng người nhập cư vốn xuất thân từ những nước có hủ tục này hiện vẫn bị bắt ép trải qua nỗi đau thể xác ấy.

Jaha đã đi khắp nơi trên nước Mỹ để nói chuyện với những cộng đồng vẫn đang duy trì hủ tục đó. Cô triển khai các hội thảo, khóa học tại nhiều trường đại học để nâng cao nhận thức của mọi người về hủ tục cắt âm vật đang diễn ra tại Mỹ.

Cô chia sẻ: “Tôi thành lập “Safe hands for girls” vì tôi là người từng kinh qua hủ tục cắt âm vật. Tôi hiểu thủ thuật này đau đớn thế nào và thật khổ sở khi phải đương đầu với nó một mình. Tôi không muốn thấy bất cứ người phụ nữ nào nữa phải trải qua nỗi đau đớn giống như tôi”.

Tổ chức phi lợi nhuận của Jaha hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân của hủ tục, kết nối họ với các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ những cô gái bị ép buộc thực hiện thủ thuật này trên toàn nước Mỹ.

Jaha đã góp phần rất đáng kể đánh thức sự quan tâm của dư luận Mỹ trong việc phản đối hủ tục cắt âm vật. Ngoài các chiến dịch truyền thông cụ thể, cô còn khởi động một đơn kiến nghị tập thể trên trang Change.org, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama có kế hoạch cụ thể chấm dứt hủ tục này.

Với hơn 221.000 chữ ký thu thập được, tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ yêu cầu những người có trách nhiệm làm một báo cáo nghiên cứu về vấn đề này để chính quyền xem xét và có những bước giải quyết tiếp theo.

Trong khi chờ đợi những đổi thay mạnh mẽ, tích cực, nỗ lực hành động để thay đổi của Jaha đã truyền cảm hứng cho một thế hệ thiếu nữ từng là nạn nhân của tục cắt âm vật, giúp họ có tinh thần phản kháng mạnh mẽ hơn. Cô đang đào tạo thêm những cô gái khác trở thành chuyên gia tư vấn để giải quyết hủ tục này ngay trong chính cộng đồng của họ.

D.KIM THOA (Theo POINTSOFLIGHT)
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,369,405       685