TTO - Sau khi đưa con gái hơn 2 tháng tuổi tiêm vắc xin ở trạm y tế xã về nhà, vợ chồng anh Hậu, huyện Yên Thành, Nghệ An thấy con tím tái, khó thở rồi tử vong khi được đưa đi cấp cứu sau đó.
Vợ chồng anh Hậu đau buồn sau cái chết của con gái khi đi tiêm chủng tại Trạm y tế xã Tây Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An - Ảnh: Doãn Hòa |
Cho rằng kết luận của Sở Y tế Nghệ An về nguyên nhân tử vong của con gái mình chưa thỏa đáng, gia đình anh Nguyễn Công Hậu, 32 tuổi, ngụ xã Tây Thành, huyện Yên Thành đã viết đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị làm rõ.
Trẻ chết sau khi tiêm vắc xin
Sáng 13-4, gia đình anh Nguyễn Công Hậu vẫn đang chờ kết luận giải quyết đơn khiếu nại của Sở Y tế Nghệ An về việc con gái của mình tử vong trong quá trình tiêm vắc xin tại trạm y tế xã Tây Thành.
Ông Hồ Xuân Bảy, phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, đã chuyển đơn khiếu nại của gia đình anh Hậu đến Giám đốc Sở Y tế Nghệ An giải quyết, kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30-4. |
Theo lời kể của anh Hậu, sáng ngày 10-3, anh Hậu cùng vợ là chị Phạm Thị Mây, 34 tuổi đưa bé Nguyễn Thị Yến Như, hơn 2 tháng tuổi đến Trạm y tế xã Tây Thành để tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sau khi được khám sàng lọc và tư vấn, khoảng 8g sáng bé Như được tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 1 và uống vắc xin bại liệt lần 1.
“Sau khi được y tá tiêm gia đình cho bé ở lại trạm y tế xã theo dõi chừng 30 phút, không có biểu hiện gì khác thường nên vợ chồng tôi đưa về nhà, cháu ngủ và bú bình thường”, anh Hậu nhớ lại.
Đến khoảng 15 chiều 10-3, gia đình anh Hậu gọi bé Như dậy thì bé khóc, thở nấc, môi tím, gia đình đưa bé đến Trạm y tế xã Tây Thành để cấp cứu. Do tình trạng quá nặng, bé Như được chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Tuy nhiên đến khoảng 2g sáng ngày 12-3, bé Như tử vong, gia đình anh Hậu đưa con quay về trạm y tế xã để yêu cầu bác sĩ, y tá và chính quyền địa phương làm rõ nguyên nhân cái chết của con mình. Sau khi lập biên bản và được hứa sẽ làm rõ nguyên nhân tử vong của bé Như, gia đình anh Hậu mới đưa thi thể con gái về nhà mai táng.
“Quá trình mang thai đến lúc sinh cháu đều bình thường, không có tiền sử bệnh tật gì. Hơn 2 tháng tuổi mà con tôi rất bụ bẫm, nặng hơn 7kg nhưng không hiểu sao khi tiêm vắc xin ở trạm y tế xã về thì con tôi lại chết oan ức như vậy…”, chị Mây khóc nấc.
Tiêm đúng quy trình, trẻ vẫn chết?
Sáng 13-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Kim Thành, trạm trưởng Trạm Y tế xã Tây Thành và điều dưỡng Đặng Văn Sỹ, Trạm phó đều khẳng định quy trình tiếp nhận, bảo quản, tiêm vắc xin cho bé Như đều đúng quy trình.
Theo bác sĩ Thành, vắc xin cho bé Như sử dụng là hai loại gồm: vắc xin Quinvaxem 5 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viên gan B và bệnh do Heamophilus influenzea tuýp B, lô số 1453331.01 sản xuất ngày 31-7-2014, hạn sử dụng đến 30-7-2017 do Hàn Quốc sản xuất. Loại vắc xin OPV phòng bại liệt lô số L5399, sản xuất ngày 18-9-2014, hạn sử dụng đến tháng 8-2016.
“Cùng tiêm chủng với bé Như trong ngày 10-3 còn có 71 cháu khác, trong đó có 55 cháu cùng lô thuốc với bé Như nhưng chỉ duy nhất trường hợp bé Như có phản ứng sau khi tiêm vắc xin và tử vong. Quá trình tiếp nhận vắc xin đến bảo quản, phân phối và sử dụng tiêm cho các bé chúng tôi đều làm đúng quy trình, hướng dẫn…”, bác sĩ Thành nói.
Sau khi xảy ra sự việc, Trạm y tế xã Tây Thành đã báo cáo với Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Sở Y tế Nghệ An. Ngày 14-3, ông Nguyễn Xuân Hồng, phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An làm chủ tịch hội đồng cuộc họp chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin với trường hợp bé Như.
Qua kiểm tra nguồn gốc vắc xin, tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin, điểm tiêm chủng, cán bộ y tế tiêm chúng thì hội đồng kết luận không có sai sót trong tiêm chủng. Cùng thời điểm bé Như được tiêm vắc xin, toàn huyện Yên Thành có 1.327 bé khác được tiêm chủng cùng lô vắc xin Quinvaxem nhưng không ghi nhận trường hợp nào bị phản ứng sau tiêm chủng.
Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, nguyên nhân tử vong của bé Như là “do suy hô hấp không hồi phục, tăng áp phổi nguyên phát, sau tiêm vắc xin Quinvaxem và uống vắc xin bại liệt OPV 42 giờ”.
Trước thông tin gia đình anh Hậu cho rằng y tá Nguyễn Thị Hà là người trực tiếp tiêm vắc-xin cho bé Như không có chứng nhận tiêm chủng nhưng khi lập biên bản sự việc tại trạm y tế xã lại ghi người tiêm là y tá Đặng Thị Thanh Thủy, bác sĩ Thành khẳng định cả hai y tá đều được tập huấn tiêm chủng và có giấy chứng nhận.
“Chúng tôi đã đến gia đình anh Hậu, chị Mây để thăm hỏi, động viên gia đình và gửi lời xin lỗi đến gia đình khi cháu bé không may tử vong sau tiêm vắc xin ở trạm y tế xã”, bác sĩ Thành cho biết thêm.