Sống khỏe

Bệnh nhân cai nghiện đã xuất hiện người xài ma túy đá

TTO - Trước đây, hầu hết bệnh nhân đến một trung tâm điều trị ngoại trú cộng đồng tại TP.HCM để chữa nghiện heroin.

Người nghiện uống methadone điều trị tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện TP.HCM - Ảnh: Tiến Long
Người nghiện uống methadone điều trị tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện TP.HCM - Ảnh: Tiến Long

​Nhưng giờ đây hai trong số tám bệnh nhân tôi nói chuyện vào đây do sử dụng methamphetamine 
(ma túy đá)..

Sử dụng ma túy đá gây ra hậu quả nặng nề hơn nhiều so với các loại chất kích thích gây nghiện khác. Ma túy đá có thể dẫn đến sự phụ thuộc nghiêm trọng vào chất này, không những khó bỏ mà còn phải mất nhiều thời gian hơn để điều trị so với các loại ma túy khác.

Người phụ thuộc vào ma túy đá thường tái nghiện nhiều lần sau quá trình cai nghiện hoặc điều trị, có những triệu chứng như hoang tưởng, hành vi hung hăng, cũng như nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Vì thường được chích, do đó loại ma túy này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Ngoài ra, vì ma túy đá có thể nâng cao khả năng tình dục nên cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu quan hệ tình dục không an toàn.

Ông Kenneth W. Robertson - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ông Kenneth W. Robertson - Ảnh: nhân vật cung cấp
“Nếu phát hiện một đứa trẻ hoặc một người trẻ sử dụng ma túy, phải giúp người đó được điều trị và không áp đặt cảm giác tội lỗi lên họ

Để hạn chế người nghiện trẻ

Có rất nhiều cách để hạn chế số người trẻ nghiện, bao gồm giáo dục, phòng ngừa, điều trị và hỗ trợ phục hồi. Khởi đầu có thể là một chương trình giáo dục mạnh mẽ ở cấp trường học và gia đình về việc sử dụng chất gây nghiện.

Điều quan trọng là cung cấp thông tin thực tế về việc sử dụng các chất gây nghiện, tác động của chúng và hậu quả tiêu cực đến sức khỏe và xã hội có thể xảy ra. Cha mẹ cần phải đối thoại thành thật và cởi mở với con cái về ma túy, ngay cả ở lứa tuổi còn nhỏ. Để làm được vậy, cha mẹ cần phải cởi mở và không phán xét.

Các chiến dịch giáo dục công cộng thông qua các cuộc hội thảo giáo dục, apphich đặt tại các khu vực công cộng hoặc trên phương tiện công cộng cũng là một hình thức nâng cao nhận thức của người trẻ về tác hại của ma túy.

Ngoài ra, trong giáo dục cộng đồng, việc nhận thức rằng các chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện và nghiện ngập là bệnh, không phải là thiếu đạo đức hay tệ nạn xã hội là cực kỳ quan trọng.

Chứng nghiện có thể được điều trị như một căn bệnh về não, mà không cần phải làm xấu hổ bất cứ cá nhân nào hoặc trừng phạt bằng cách nhốt họ lại. Điều này nên được xem như là một nguyên tắc trong việc làm thế nào để đối phó với vấn đề này.

Nếu không điều trị, cơ hội để người nghiện phục hồi và trở lại với gia đình, bạn bè và cộng đồng là thấp hơn nhiều.

Cần sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng

Nếu một người nghiện ma túy chấp nhận điều trị, điều cực kỳ quan trọng là gia đình, bạn bè và cộng đồng cần hỗ trợ người đó trong hành trình phục hồi. Một trong những lý do chính mà mọi người phủ nhận họ có “vấn đề về ma túy” là do họ sợ bị chế nhạo, bị giận dữ, xua đuổi hoặc cấm đoán từ gia đình và cộng đồng.

Tại Mỹ, một trong những mô hình điều trị sử dụng chất gây nghiện là một loạt dịch vụ xoay quanh cá nhân được điều trị, huy động sự tham gia của chính phủ, cộng đồng, các dịch vụ gia đình và hỗ trợ khác.

Một nhân viên phụ trách tốt được đào tạo làm thế nào để có được tất cả các dịch vụ cần thiết cho người được điều trị và gia đình của họ. Hãy xem việc hỗ trợ phục hồi như một chiếc bánh xe, bệnh nhân là trung tâm và tất cả nan hoa xung quanh bánh xe là các dịch vụ hỗ trợ, người phụ trách điều trị như chiếc vành giữ các phần của bánh xe với nhau.

Thực tế cho thấy Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc thay đổi cách thức nhìn nhận và giải quyết vấn đề ma túy.

Hiện đã có một sự chuyển đổi quan điểm ở cấp Chính phủ, nhân viên y tế và một phần cộng đồng, từ chỗ xem người sử dụng ma túy như tệ nạn xã hội thành đối tượng có thể điều trị bằng y tế.

Số người điều trị bằng methadone tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong tám năm qua, hiện có khoảng 44.000 người, trong khi số lượng người ở các trung tâm điều trị bắt buộc đã giảm. Số lượng nhân viên y tế, nhân viên tư vấn, nhân viên xã hội, tâm lý, những người được đào tạo các chủ đề lâm sàng (ví dụ như quản lý methadone), đã tăng lên rất nhiều.

Hầu hết những nỗ lực này là kết quả từ sự hợp tác lâu dài giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ thông qua chương trình PEPFAR được thành lập bởi Chính phủ Hoa Kỳ để giúp các quốc gia trên thế giới tiêu diệt HIV.

Chém người, chui ống cống vì “ngáo đá”

Thời gian qua, có không ít trường hợp sử dụng ma túy đá dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng, thậm chí gây nguy hiểm đến những người xung quanh. Dưới đây là một số trường hợp Tuổi Trẻ đã đưa tin.

Ngày 7-3-2016, Phạm Viết Huy (ngụ Vũng Tàu) trong cơn “ngáo đá” đã cầm dao sang nhà hàng xóm chém gây thương tích nặng cho chị Bùi Thị Đậm và con gái chị Đậm là cháu Nguyễn Thị Phương Trang. Sau đó, Huy dùng dao tự cắt cổ và tay mình.

Sáng 11-3-2016, tài xế Trịnh Hữu Đông lái xe bảy chỗ lạng lách qua nhiều tuyến đường ở TP.HCM, gây kinh hoàng cho người đi đường. Khi bị CSGT truy đuổi, Đông bỏ chạy và va quẹt với hàng loạt ôtô, xe máy, vượt qua cả dải phân cách để đi vào làn đường dành cho xe hai bánh, dùng dao đâm về phía CSGT không cho tiếp cận...

Sau khi bị đưa về Công an P.An Lạc (Q.Bình Tân), Đông cười nói huyên thuyên, có biểu hiện sử dụng ma túy đá. Kết quả thử nhanh tại cơ quan công an cho thấy Đông dương tính với ma túy.

Trưa 16-12-2015, một cô gái trẻ chui vào ống cống ở P.15 (Q.Gò Vấp). Trước khi chui vào ống cống, cô gái này còn la hét và lấy gạch đập vào đầu mình. Công an P.15 (Q.Gò Vấp) cho biết cô gái này 24 tuổi và bị “ngáo đá”.

Sáng 3-12-2015, một thanh niên có biểu hiện “ngáo đá” đã trèo lên cây cao trên đường Hoàng Đạo Thành, Q.Thanh Xuân (Hà Nội) và gào thét. Phải mất bốn tiếng lực lượng công an mới bắt được thanh niên này trong khi anh ta vẫn chống cự quyết liệt...

N.Đ.

KENNETH W. ROBERTSON (Chuyên viên tư vấn điều trị lạm dụng chất gây nghiện từ Văn phòng PEPFAR ở Hà Nội) - NGỌC ĐÔNG ghi
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,388,013       232