TTO - Ngày 5-4, hàng chục người nhà của bệnh nhân Nguyễn Văn Riệu (63 tuổi, trú tại xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) tập trung tại bệnh viện Đa khoa Kiến An để yêu cầu được làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của ông Riệu sau khi đến bệnh viện khám viêm phổi trước đó một ngày.
Người nhà bệnh nhân Riệu tập trung trước cửa khu nhà xác của bệnh viện Đa khoa Kiến An (TP. Hải Phòng) trong lúc cơ quan chức năng thực hiện mổ tử thi để nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của bệnh nhân - Ảnh: Tiến Thắng |
Ngồi thẫn thờ trước khu nhà xác của bệnh viện, anh Nguyễn Văn Khu (33 tuổi, con trai ông Riệu) kể lại vào 7g sáng ngày 4-4, anh trực tiếp đưa bố đến bệnh viện Đa khoa Kiến An (TP. Hải Phòng) để khám bệnh do gần đây ông Riệu nói thi thoảng thấy người khó thở.
Thời điểm đến bệnh viện, ông Riệu vẫn khỏe mạnh.
Sau khi thực hiện các khám nghiệm ban đầu và xem hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mà người nhà mang theo, bác sĩ bệnh viện chuẩn đoán ông Riệu bị viêm phổi mãn tính nên có tiêm cho bệnh nhân thuốc corticoid, thuốc kháng sinh và thuốc giãn phế quản để điều trị.
Đến khoảng 13g ngày 4-4, ông Riệu có các biểu hiện chóng mặt, khó thở, toàn thân co lại và tím tái ngay sau khi được bác sĩ tiêm thuốc ít phút.
"Sau hai lần tôi chạy đi gọi, tìm thì bác sỹ của khoa mới có mặt rồi chuyển ông đến khoa cấp cứu và cho biết ông có biểu hiện của sốc thuốc. Đến 7g30 sáng ngày 5-4, bệnh viện thông báo bố tôi đã mất nhưng nguyên nhân thì lại là do bị viêm phổi cấp kết hợp với virút" - anh Khu bức xúc kể lại.
Không đồng tình trước kết luận nguyên nhân cái chết của bệnh viện, anh Khu cùng người nhà của bệnh nhân tập trung tại bệnh viện, kiên quyết yêu cầu được làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Riệu.
Đến trưa ngày 5-4, cán bộ pháp y của bệnh viện cùng cơ quan công an quận Kiến An, đại diện Viện KSND quận cũng có mặt để thực hiện việc mổ tử thi bệnh nhân nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết.
Ông Tăng Xuân Khoa - phó giám đốc bệnh viện Đa khoa Kiến An - xác nhận trong ngày 4-4, bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Riệu đến khám bệnh trong tình trạng bị ho, sốt và khó thở.
Sau khi khám và chuẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi mãn tính, bệnh viện điều trị theo phác đồ với việc tiêm một số loại thuốc như corticoid, thuốc kháng sinh và thuốc giãn phế quản. Tất cả các loại thuốc này đều được test trước khi tiêm cho bệnh nhân theo đúng quy trình khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ông Khoa từ chối cho biết cụ thể tên của thuốc kháng sinh và thuốc giãn phế quản mà bệnh viện sử dụng.
"Hiện nay hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được chúng tôi niêm phong nên tạm thời chưa thể cung cấp cụ thể tên của các loại thuốc sử dụng để điều trị cho bệnh nhân" - ông Khoa cho biết.
Theo ông Khoa, khi tình trạng của ông Riệu chuyển biến xấu, hôn mê sâu, bác sĩ ba lần tiến hành trợ tim nhưng đến 8g20 tim của bệnh nhân ngừng hẳn" - ông Khoa nói.
Sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện mời cơ quan công an và đại diện viện kiểm sát phối hợp cùng cơ quan pháp y tiến hành mổ tử thi bệnh nhân để làm rõ nguyên nhân.
"Hiện nay chúng tôi cũng đang chờ kết luận nguyên nhân sự việc từ phía cơ quan pháp y và việc điều tra của cơ quan công an. Khi có kết luận chính xác sẽ có hướng xử lý, giải quyết theo quy định" - ông Khoa cho biết thêm.