TTO - Cùng với việc khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng.
Ông Lê Nam Trà tại buổi công bố kết luận thanh tra thương vụ MobiFone mua AVG - Ảnh: THÂN HOÀNG
Ngày 10-7, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại tổng công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó là quyết định khởi tố bị can số 98/C46-P13; lệnh bắt bị can để tạm giam số 34/C46-P13; lệnh khám xét số 37/C46-P13 đối với ông Lê Nam Trà, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên tổng công ty Viễn thông Mobifone, hiện là cán bộ Văn phòng Bộ Thông tin truyền thông.
Quyết định khởi tố bị can số 99/C46-P13; lệnh bắt bị can để tạm giam số 35/C46-P13; lệnh khám xét số 38/C46-P13 được đưa ra đối với ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ Thông tin truyền thông, về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Hiện C46 đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi phạm tội của 2 bị can và mở rộng điều tra vụ án.
Thiếu trách nhiệm và làm trái
Trước đó, ngày 30-6, thông báo kỳ họp thứ 27 của Uỷ ban Kiểm tra trung ương cho biết đã xem xét, kết luận thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng.
Cuối tháng 4, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành bàn giao hồ sơ, tài liệu thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG cho cơ quan điều tra Bộ Công an.
Đây là những tài liệu có liên quan nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong thương vụ này.
Theo kết luận thanh tra, Mobifone đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ Thông tin truyền thông phê duyệt dự án đầu tư…
Khi báo cáo đề xuất đầu tư chuyển nhượng cổ phần AVG và lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin truyền thông phê duyệt, Mobifone đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ, đánh giá không đúng thực trạng tài chính rất xấu của AVG, thậm chí còn đánh giá khả quan về tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Khi lựa chọn phương án đầu tư, Mobifone không khảo sát, không lựa chọn đơn vị chuyên kinh doanh dịch vụ truyền hình để tư vấn phương án kinh doanh, không xây dựng phương án đầu tư mới để có căn cứ so sánh.
Mobifone đã lập và trình Bộ Thông tin truyền thông phê duyệt dự án khi không loại trừ 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG thế hiện sự thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái quy định.
Để xảy ra những sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về ông Lê Nam Trà và cá nhân, lãnh đạo thuộc Hội đồng thành viên, kế toán trưởng Mobifone.
Những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo.
Trong đó, lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 so với 2015 là 321,7 tỉ đồng, số lỗ lũy kế đến 2017 là hơn 1.900 tỉ đồng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.
Phớt lờ nhiều cảnh báo
Theo kết luận, ngày 7-10-2015, Bộ Thông tin truyền thông đã ban hành quyết định thành lập tổ thẩm định gồm 6 người, do ông Phạm Đình Trọng, vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, làm tổ trưởng.
Ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định của Bộ Thông tin truyền thông đều phớt lờ.
Không những thế, tổ thẩm định còn bỏ qua những cảnh báo về tính pháp lý, hiệu quả đầu tư và chỉ báo cáo những điểm có lợi để thực hiện dự án.
Việc làm thiếu trách nhiệm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án vi phạm nhiều quy định và được mua với giá "trên trời", dẫn đến nguy cơ thiệt hại khoảng 7.000 tỉ đồng.
Ông Phạm Đình Trọng với vai trò là tổ trưởng tổ thẩm định, nhưng đã không làm hết trách nhiệm, có nhiều vi phạm.
Ông Trọng và tổ thẩm định đã sử dụng thông tin do AVG báo cáo với Bộ Thông tin truyền thông về mức giá định bán cho đối tác nước ngoài là 700 triệu USD (dù Bộ Thông tin truyền thông không có tài liệu chứng minh tính chính xác, trung thực) nhưng vẫn dùng để so sánh, nhận xét về giá mua 95% cổ phần AVG.
Trong việc tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định dự án, tổ trưởng đã không tổng hợp đầy đủ các ý kiến phản biện của một số thành viên; việc đánh giá Mobifone, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về dự án, theo Thanh tra Chính phủ, là thiếu khách quan...
Theo kết luận thanh tra, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại Mobifone khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỉ đồng.
Việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo.
Bộ Thông tin truyền thông với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án, phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước.
Quyết định số 236/2015 của Bộ Thông tin truyền thông phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.