TTO - Theo luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng, đây là cơ quan truyền đạt ý kiến của Thủ tướng liên quan chủ trương tăng vốn, thoái vốn tại OceanBank nên cần mời đến tòa làm rõ.
Ông Đinh La Thăng tại tòa - Ảnh: TTXVN
Sáng nay, 19-6, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa ông Đinh La Thăng - nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - và đồng phạm ra xét xử phúc thẩm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong vụ PVN mất 800 tỉ đồng khi góp vốn vào OceanBank.
Cũng giống như phiên sơ thẩm, các phóng viên được bố trí ngồi phòng riêng theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi.
Ông Nguyễn Xuân Sơn xin rút kháng cáo
Trong phần thủ tục, bị cáo Đinh La Thăng và năm đồng phạm khác khẳng định giữ nguyên kháng cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN, bất ngờ xin rút kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ xin rút kháng cáo - Ảnh: THÂN HOÀNG chụp qua màn hình
"Bị cáo xin rút toàn bộ kháng cáo với tư cách là bị cáo, cả hình phạt và dân sự. Bị cáo giữ nguyên kháng cáo với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" - bị cáo Sơn khẳng định tại tòa.
Trước lời trình bày này, HĐXX giải thích cho bị cáo Sơn hiểu trong vụ án này ông Sơn là bị cáo, chỉ có thể rút toàn bộ kháng cáo liên quan phần hình phạt và dân sự, hoặc rút một phần kháng cáo. Việc xem xét tư cách bị cáo trong phiên tòa, HĐXX sẽ xem xét, quyết định trong phần xét hỏi.
Cũng theo HĐXX, luật sư Nguyễn Thị Minh Châu đã có đơn cho biết không bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, vì thế bị cáo Sơn chấp nhận tự bào chữa cho mình.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 3, TAND Hà Nội tuyên bị cáo Sơn 30 tháng tù giam về tội cố ý làm trái. Về dân sự, tòa buộc bị cáo bồi thường 15 tỉ đồng cho PVN.
Ông Sơn đã có đơn kháng cáo xin được miễn trách nhiệm dân sự bồi thường 15 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo Sơn còn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận lời khai của bản thân, buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về số tiền 180 tỉ đồng mà ông đã chuyển cho bị cáo Quỳnh để dùng vào việc chăm sóc khách hàng PVN chứ không phải chỉ là 20 tỉ đồng cho cá nhân bị cáo Quỳnh.
Luật sư đề nghị mời đại diện Văn phòng Chính phủ
Cũng trong phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài - bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng - đề nghị HĐXX mời đại diện Văn phòng Chính phủ.
Theo luật sư Hoài, đây là cơ quan truyền đạt ý kiến của thủ tướng liên quan chủ trương góp vốn, tăng vốn, thoái vốn tại OceanBank nên cần mời đến tòa để làm rõ một số vấn đề có liên quan.
Luật sư Hoài cũng đề nghị HĐXX mời đại diện của Bộ Công thương, cơ quan chủ quản đồng ý cho thoái vốn ở OceanBank.
Luật sư Hoài cũng kiến nghị HĐXX mời đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương để làm rõ đợt tăng vốn điều lệ lần 3 của PVN mà cơ quan này có trả lời là không cần xin phép cơ quan chức năng.
"Các luật sư bào chữa cho ông Thăng cũng đã thẩm tra công khai là có hai nhà đầu tư nhận chuyển nhượng phần góp vốn 800 tỉ của PVN, đáng tiếc là tòa sơ thẩm lại nhận định là các luật sư không đưa ra được chứng cứ thì lần này với góc độ luật sư, chúng tôi trình HĐXX tài liệu này", luật sư Hoài nói.
Một số luật sư khác cũng nộp thêm tài liệu liên quan tới thân chủ của mình.
Bị cáo Hà Văn Thắm được dẫn giải đến tòa sáng nay - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trước những ý kiến trên, HĐXX đã vào hội ý, sau đó cho biết trong quá trình xét xử tòa sẽ triệu tập các bên liên quan nếu thấy cần thiết và đây là vụ án xét xử diễn ra nhiều ngày do đó ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài sẽ được xem xét.
Về một số tài liệu do người bào chữa cung cấp, HĐXX sẽ tiến hành xem xét trong phiên tòa.
Khi HĐXX chuyển sang phần thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị yêu cầu về vị trí ngồi của các bị cáo vì tòa chưa xem xét tư cách của bị cáo Sơn trước đề nghị của bị cáo.