Pháp luật

Bức xúc vì bị quy kết chiếm đất công

TTO - Một người dân ở TP Tuy Hòa, Phú Yên bức xúc khi nhà ông đang ở ổn định từ năm 1997, nay tỉnh thu hồi để làm dự án bất động sản thì chính quyền lại nói rằng ông lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý.

Bức xúc vì bị quy kết chiếm đất công - Ảnh 1.

Nhà ông Lê Văn Lộc bị UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo chuẩn bị cưỡng chế

Đó là nhà đất của ông Lê Văn Lộc (ở P.Phú Đông, TP Tuy Hòa).

Ông Lộc bức xúc vì đơn khiếu nại của mình chưa được giải quyết thì UBND TP Tuy Hòa đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng lập thủ tục cưỡng chế...

Chưa giải quyết xong đã chuẩn bị cưỡng chế

Theo hồ sơ, năm 1996, UBND huyện Tuy Hòa (cũ) giao đất cho 23 hộ dân ở bãi soi phía nam sông Đà Rằng trong 50 năm để làm khu chăn nuôi và trồng cây xanh. Bà Cao Thị Liễu, ở thị trấn Phú Lâm, được giao 5.400m2.

Tháng 1-1997, bà Liễu cho bà Hồ Thị Tâm (vợ ông Lộc) 1.400m2 trong diện tích đất của bà, được UBND thị trấn Phú Lâm xác nhận.

Trong năm 1997, vợ chồng ông Lộc xây nhà để vừa ở, vừa chăm sóc cây cối, trang trại chăn nuôi của gia đình ông và bà Liễu.

Năm 2005, thị trấn Phú Lâm từ huyện Tuy Hòa sáp nhập về TP Tuy Hòa và được chia thành 3 phường Phú Lâm, Phú Đông và Phú Thạnh.

Năm 2006, UBND TP Tuy Hòa có kế hoạch thu hồi đất của 23 hộ dân này cùng các hộ dân trồng rừng phía bờ nam sông Đà Rằng để thực hiện dự án kè chống xói lở bờ sông, đã kiểm đếm và bồi thường cây cối, vật kiến trúc nhưng không thu hồi đất.

Năm 2009, khi UBND tỉnh Phú Yên thực hiện dự án hạ tầng khu đô thị Nam Tuy Hòa mới có quyết định thu hồi đất khu vực này.

UBND TP Tuy Hòa cho rằng năm 2003, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản với nội dung năm 1997 ông Lộc tự xây nhà trái phép, tỉnh chỉ đạo UBND huyện Tuy Hòa cho ở tạm hai năm 2003, 2004, sau đó yêu cầu ông tự tháo dỡ và không được bồi thường, hỗ trợ nên nay TP thu hồi đất thì không bồi thường, hỗ trợ cho ông.

Ông Lộc nói: "Tôi không đồng ý với việc thu hồi mà không bồi thường, hỗ trợ nên nhiều lần kiến nghị với TP Tuy Hòa. Nhà tôi xây dựng năm 1997, trước rất lâu so với thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 1-7-2004) và đến nay không bị xử lý gì.

UBND TP dẫn văn bản năm 2003 của UBND tỉnh Phú Yên nói tôi xây nhà trái phép, nhưng tôi không hề biết vì UBND huyện Tuy Hòa và thị trấn Phú Lâm khi ấy có xử lý gì đâu.

Theo quy định pháp luật thì tôi phải được bồi thường về đất, tài sản trên đất".

Liên quan vụ việc này, ông Nguyễn Chí Hiến - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - vừa chỉ đạo chủ tịch UBND TP Tuy Hòa tổ chức xin lỗi dân vì chậm giải quyết đơn khiếu nại và tiến hành xử lý các vấn đề khiếu nại của các hộ dân bị thu hồi đất ở bờ nam sông Đà Rằng theo đúng quy định pháp luật.

Đất được giao hay lấn chiếm?

Sau nhiều lần thuyết phục ông Lộc, giải quyết bằng cách hỗ trợ 60% giá trị vật kiến trúc, tài sản trên đất và bán hai lô đất ở khu tái định cư nhưng gia đình ông không thống nhất.

Tháng 3-2018, UBND TP Tuy Hòa và Sở TN-MT tỉnh Phú Yên báo cáo UBND tỉnh Phú Yên là ông Lộc lấn chiếm đất công để xây nhà ở.

Ngày 21-5, UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo UBND P.Phú Đông lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lộc, yêu cầu các cơ quan chức năng cưỡng chế.

Ông Nguyễn Lương Sinh - phó chủ tịch UBND TP Tuy Hòa - cho biết theo kết quả đo đạc thì đất ông Lộc đang quản lý sử dụng nằm phần lớn trên đất bà Cao Thị Liễu, lấn một phần đất bà Kiều Thị Thẩm. Còn khu vực ông xây nhà nằm trên đất rừng do UBND P.Phú Đông quản lý.

Ông Sinh nói lẽ ra trường hợp xây nhà trái phép, lấn chiếm đất như vậy là không được bồi thường, hỗ trợ nhưng chính quyền "du di" hỗ trợ 60% cho ông Lộc.

Còn ông Lộc bức xúc nói chính quyền "vu khống" ông lấn chiếm đất công vì ông xây nhà trên đất do gia đình bà Liễu cắm mốc cho từ năm 1997, đến nay không ai tranh chấp.

Ngoài ra, năm 2006, TP Tuy Hòa cũng đã bồi thường cây cối, chuồng trại của gia đình ông và bà Liễu cũng như 22 hộ dân khác.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hữu Ký - nguyên bí thư và chủ tịch thị trấn Phú Lâm (chồng bà Cao Thị Liễu) - khẳng định đất mà ông Lộc xây nhà chính là đất Nhà nước đã giao cho ông bà năm 1996, không phải là đất lấn chiếm.

Bức xúc vì bị quy kết chiếm đất công - Ảnh 3.

Ông Lộc nói theo bản đồ quy hoạch năm 2004, nhà ông nằm trong khu đất chăn nuôi và trồng cây xanh - Ảnh: D.THANH

Lấy đất trước, bồi thường sau

Không chỉ riêng ông Lộc, 22 hộ dân khác ở khu vực này cũng rất bức xúc vì đất của họ đã bị "bảo vệ thi công" để thu hồi từ tháng 10-2017 nhưng không được đền bù. Bà Đào Thị Khanh nói đã khiếu nại và UBND TP Tuy Hòa đã thụ lý từ tháng 3-2017 nhưng vẫn chưa giải quyết.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Liên nói bà và nhiều hộ dân khác được giao đất rừng sản xuất nhưng khi chính quyền thu hồi đất để làm dự án bất động sản bằng cách ra văn bản điều chỉnh thành "đất rừng phòng hộ" và không đền bù.

"TP thụ lý đơn khiếu nại hơn một năm nhưng không giải quyết là vi phạm Luật khiếu nại" - bà Liên nói.

Ông Nguyễn Lương Sinh giải thích do nguồn gốc đất ở khu vực này phức tạp, được huyện Tuy Hòa (cũ) giao, nên cần nhiều thời gian để truy tìm hồ sơ và hỏi ý kiến tỉnh, bộ ngành trung ương để xác định lại loại đất cho đúng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc này, luật sư Nguyễn Tường Linh (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) nói: "Chỉ đạo của UBND TP Tuy Hòa đối với UBND P.Phú Đông là lập biên bản xử lý vi phạm vụ việc được cho là ông Lộc lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý để tiến tới xử lý vi phạm hành chính, lấy đó làm cơ sở để cưỡng chế đối với ông là không đúng quy định pháp luật".

Cũng theo luật sư Linh, ông Lộc xây nhà ở ổn định từ năm 1997 đến nay, không ai tranh chấp, không cơ quan nào lập biên bản xử lý vi phạm về xây dựng hoặc lấn chiếm đất thì không thể có việc lập biên bản vi phạm cho một sự việc đã xảy ra cách đây 21 năm.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thuộc huyện Tuy Hòa trước đây và TP Tuy Hòa hiện nay phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý nếu cho rằng ông Lộc có vi phạm.

Trong trường hợp này, ông Lộc hiện không có nơi ở nào khác thì khi thu hồi đất, chính quyền cần xem xét hỗ trợ giá trị vật kiến trúc, tài sản trên đất của ông một cách hợp tình hợp lý.

Chính quyền phải bán đất tái định cư theo chính sách để tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất có nơi ở mới ổn định cuộc sống, đó mới là cách giải quyết nhân văn.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,096       640