TTO - Đó là một bản án hôn nhân gia đình do tòa án Pháp tuyên, liên quan đến quyền nuôi một người con lai Việt - Pháp.
Huyền (áo trắng) sau phiên họp bị hoãn - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP
Sau 2 năm được tòa án Pháp tuyên cho quyền được nuôi con, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (32 tuổi, quê Khánh Hòa) vẫn chưa được giao quyền chăm sóc và nuôi con như bản án tuyên.
Lý do, tòa án ở VN ba lần mở phiên họp nhưng đều phải hoãn vì thiếu phiên dịch.
Sang Pháp đòi con
Theo hồ sơ, Huyền có bạn trai là Azais (quốc tịch Pháp), nhưng một thời gian sống chung do không hợp nhau nên đã chia tay. Lúc đó Huyền vừa mang thai. Sau khi em bé ra đời, Azais nhận con và lui tới thăm bé.
Vì muốn em bé có cha nên thỉnh thoảng ngày cuối tuần Huyền vẫn cho Azais đưa con về nhà ông chơi. Khi bé được khoảng 3 tháng tuổi, Azais mang con về nhà rồi không chịu trả lại cho Huyền. Huyền đã nhiều lần yêu cầu Azais trả con nhưng không được chấp thuận. Sau đó, Azais đưa con về Pháp giao cho mẹ mình chăm sóc.
Bà Huyền bỏ công việc ở VN sang Pháp đòi con và đã gửi đơn kiện ra tòa án đòi quyền nuôi con. Ngay sau khi thụ lý, tòa đã ra quyết định yêu cầu ông Azais phải giao con cho Huyền nuôi ngay lập tức. Tuy nhiên, trước khi bản án được ban hành, ông Azais đưa con trở lại VN nhằm tránh thi hành bản án.
Bản án của tòa án Pháp có hiệu lực từ tháng 6-2016, Huyền tưởng sẽ được nuôi con nhưng khi về VN, ông Azais tiếp tục ngăn chặn không cho Huyền gặp con nên Huyền phải làm các thủ tục yêu cầu công nhận bản án tại VN.
Hoãn 3 lần vì... thiếu phiên dịch
Ngày 6-6, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên họp lần thứ 3 phiên phúc thẩm để xét công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Pháp. Tuy nhiên, phiên họp đã không mở được vì phiên dịch tham gia phiên tòa không đúng theo thủ tục của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Người phiên dịch này được bà Huyền đưa đến tòa để đề phòng phía ông Azais hoặc tòa án không mời phiên dịch. "Ở lần mở phiên tòa thứ 2, sau khi làm thủ tục xong tòa cũng hoãn vì không có phiên dịch. Bản thân tôi rất sốt ruột vì bản án đã có hiệu lực hai năm ở Pháp, nhưng không thể thi hành tại VN vì vẫn chưa được tòa VN công nhận. Bé hiện nay đã gần 4 tuổi và từ năm 2016 đến nay tôi không được gặp con" - bà Huyền bức xúc.
Do phiên dịch không phải là người được tòa triệu tập hợp pháp theo luật nên HĐXX có hỏi ông Azais có chấp thuận không? Ông Azais đồng ý, nhưng cũng bày tỏ e ngại phiên dịch do bà Huyền đưa đến sợ không khách quan.
Tòa giải thích rằng do việc mời phiên dịch trong phiên tòa dân sự có thể do một trong hai bên đương sự mời và đương sự sẽ phải trả tiền. Ông Azais khẳng định ông đã nộp chi phí thuê phiên dịch sau khi tòa thụ lý.
Đồng thời, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huyền cũng cho rằng việc phiên dịch không được mời theo đúng thủ tục tố tụng thì có thể ảnh hưởng đến quyết định của tòa sau này, do đó luật sư đề nghị tòa mời phiên dịch theo đúng thủ tục tố tụng đã được quy định.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Huyền) cho biết Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định về việc công nhận bản án của tòa nước ngoài nếu VN và quốc gia đó có ký hiệp định tương trợ tư pháp.
Luật này cũng quy định tòa án tại VN không có quyền xét xử lại vụ án, mà chỉ xem xét công nhận và cho thi hành bản án. Việc tòa lên lịch mở phiên tòa 3 lần rồi không xét xử được chỉ vì không có phiên dịch là điều vô lý không thể chấp nhận. Trong khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng mang về VN lại không được công nhận và thi hành sớm để mẹ con bà Huyền được đoàn tụ.
Vào tháng 5-2017, tòa sơ thẩm TAND TP.HCM đã họp và ra quyết định công nhận, cho thi hành bản án tại VN. Sau đó, ông Azais kháng cáo lên tòa cấp cao. Từ khi tòa cấp cao thụ lý đến nay cũng đã một năm, nhưng vẫn chưa có một phiên họp chính thức nào được mở để xem xét quyết định của tòa sơ thẩm.