Pháp luật

Vụ án Huyền Như: Bác kháng cáo đòi VietinBank trả tiền

TTO - Theo tòa phúc thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như là nhân viên VietinBank, là người phạm tội gây thiệt hại nên phải bồi thường chứ ngân hàng không có trách nhiệm.

Vụ án Huyền Như: Bác kháng cáo đòi VietinBank trả tiền - Ảnh 1.

Hàng ghế đầu: Huỳnh Thị Huyền Như (trái) và Võ Anh Tuấn tại tòa sáng 30-5 - Ảnh: T.L

Sáng 30-5, sau 3 ngày xét xử và nghị án, Tòa án Nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên bản án phúc thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM.

Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Võ Anh Tuấn - nguyên phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè - vì không có tình tiết giảm nhẹ nào mới.

Tòa tuyên phạt bị cáo Tuấn 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cộng với bản án 20 năm tù ở giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Võ Anh Tuấn phải chấp hành hình phạt tổng hợp 27 năm tù.

Tòa cũng tuyên bác kháng cáo của bốn công ty là nguyên đơn dân sự trong vụ án yêu cầu VietinBank phải trả 1.085 tỉ đồng.

Theo tòa, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án này thuộc về Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Do Huyền Như không kháng cáo nên bản án sơ thẩm với bị cáo Như đã có hiệu lực pháp luật.

Tòa phúc thẩm nhận định Huỳnh Thị Huyền Như với thẩm quyền của mình là trưởng phòng giao dịch đã có hành vi gian dối ngay từ đầu, đưa thông tin không đúng sự thật, thỏa thuận với các công ty để huy động vốn rồi chiếm đoạt.

Hành vi chiếm đoạt hơn 1.085 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, theo tòa là thực hiện thỏa thuận bên ngoài ngân hàng VietinBank. Các cơ quan tố tụng đã đánh giá đúng tội danh và hình phạt của Như nên bản án hiện đã có hiệu lực.

Đối với kháng cáo của các nguyên đơn dân sự, tòa cho rằng các công ty đã mở tài khoản tại VietinBank, ký hợp đồng tiền gửi. Tiền vào hệ thống bị mất là do người gửi tiền không giám sát chặt chẽ, để Huyền Như dùng hàng loạt thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt.

"Huỳnh Thị Huyền Như là nhân viên của VietinBank gây thiệt hại nên phải bồi thường. Quá trình điều tra lại, các cơ quan tố tụng không truy tố Như tội tham ô tài sản nên các công ty là bị hại, đồng thời là nguyên đơn dân sự. Trách nhiệm bồi thường là của người phạm tội" - HĐXX lập luận.  

Trong các ngày xét xử vừa qua, hàng loạt vấn đề trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như kéo dài từ khi điều tra, truy tố, xét xử từ giai đoạn 1 đến nay vẫn được các luật sư và nguyên đơn dân sự nhắc đi nhắc lại.

Đó là câu hỏi tại sao khách hàng gửi tiền hợp pháp vào hệ thống của VietinBank và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt nhưng ngân hàng lại không có trách nhiệm bồi thường? Vậy trách nhiệm của ngân hàng ở đâu trong việc quản lý nhân viên và quản lý tiền gửi của khách hàng?

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận định Huyền Như là người có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Tại tòa, tất cả các nguyên đơn dân sự và luật sư của họ đều bày tỏ sự thất vọng đối với bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM.

Họ đã đưa ra nhiều dẫn chứng và lý lẽ để cho rằng tòa án cấp sơ thẩm cố tình lờ đi các căn cứ, quy định của pháp luật để bảo vệ cho VietinBank, tránh cho ngân hàng này thoát khỏi nghĩa vụ phải bồi thường cho khách hàng.

Vụ án Huyền Như: Mất trăm tỉ bởi các công ty Vụ án Huyền Như: Mất trăm tỉ bởi các công ty 'sân sau'?

TTO - Các luật sư chỉ ra một số công ty mất cả trăm tỉ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như thực chất là công ty “sân sau” của các ngân hàng, có nhiệm vụ đứng tên gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất cao trái quy định.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        378,049       233