TTO - Một lần nữa, giữa đại diện Viện kiểm sát (VKS) và các luật sư đã có những tranh luận gay gắt về việc Ngân hàng VietinBank có trách nhiệm tới đâu khi để khách hàng gửi tiền mất hàng ngàn tỉ đồng.
Đại diện VKS cho rằng Ngân hàng VietinBank không có lỗi khi Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách hàng - Ảnh: TÂM LỤA
Chiều 28-5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã phát biểu quan điểm đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM.
Không biết nên không có lỗi?
Đại diện VKS cho rằng do kinh doanh thua lỗ, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình thỏa thuận ngầm với khách hàng trả lãi suất cao để huy động vốn.
Sau đó Như có hàng loạt hành vi như làm giả con dấu, giả chữ ký, đánh tráo, thay đổi một số nội dung trong hợp đồng… để chiếm đoạt của 5 công ty 1.085 tỉ đồng.
Hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn bị cấp sơ thẩm kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo đại diện VKS là đúng luật.
Xét kháng cáo của bị cáo Tuấn, đại diện VSK cho rằng bị cáo kháng cáo không có tình tiết giảm nhẹ nào mới. Bị cáo Tuấn biết Huyền Như giả chữ ký nhưng vẫn mặc nhiên để Như làm giả.
Đây là hành vi tích cực giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt số tiền lớn. Vì vậy, bản án sơ thẩm xử bị cáo Tuấn 7 năm tù là tương xứng với mức độ hành vi của bị cáo.
Đối với kháng cáo của 4 công ty là nguyên đơn dân sự yêu cầu VietinBank trả tiền cho họ, đại diện VKS cho rằng các công ty này đã thỏa thuận ngầm với Huỳnh Thị Huyền Như để hưởng lãi suất cao. Lãi suất tiền gửi ngoài hợp đồng từ 2% đến 7%. Đây là thỏa thuận trái pháp luật, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tòa án cố tình bảo vệ quyền lợi của VietinBank?
Trong hai giai đoạn của vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc đã chiếm đoạt 5.000 tỉ đồng của khách hàng - Ảnh: TÂM LỤA
Quan điểm nêu trên của đại diện VKS đã bị các luật sư đưa ra nhiều dẫn chứng để bác bỏ.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng trong quá trình thụ lý vụ án, Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM đã 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc định tội Huyền Như.
Tại quyết định trả hồ sơ này, TAND TP.HCM nhận định: "Chỉ sau khi 5 công ty mở tài khoản tại VietinBank và gửi tiền, tiền được hạch toán đầy đủ trên hệ thống của ngân hàng thì Huỳnh Thị Huyền Như mới giả chữ ký để chuyển tiền ra khỏi hệ thống của VietinBank chi nhánh TP.HCM rồi chiếm đoạt".
Luật sư Tâm cho rằng nhận định này của TAND TP.HCM là đúng với bản chất của vụ án. Tuy nhiên sau đó không hiểu vì lý do gì, tòa án đã tuyên ngược lại với nhận định nêu trên dù kết quả điều tra không có gì mới.
"Các công ty đã mở tài khoản hợp lệ trên hệ thống VietinBank, sau đó chuyển tiền vào hệ thống. Đại diện VietinBank cũng xác nhận sau khi khách hàng gửi tiền, hệ thống của VietinBank đã tự động cập nhật.
Việc mở tài khoản giữa khách hàng và VietinBank đã phát sinh quan hệ dân sự giữa bên gửi tiền là khách hàng, bên nhận tiền và quản lý tiền là ngân hàng. Tính chất quan hệ dân sự đã được xác định rõ. Tuy nhiên tòa sơ thẩm đã lờ đi trách nhiệm của VietinBank để ngân hàng này không phải bồi thường" - luật sư Tâm phân tích trước tòa.
Luật sư Tâm cũng cho rằng vào thời điểm năm 2011, hàng chục ngân hàng tiến hành huy động lãi suất vượt trần và pháp luật không cấm. Chính vì vậy không thể nói các công ty vì lòng tham mà gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao.
Chính vì VietinBank là ngân hàng lớn nên khách hàng mới gửi tiền và khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn chưa bị mất, cho đến khi bị Huyền Như chiếm đoạt. Chính vì vậy, luật sư Tâm cho rằng VietinBank là nạn nhân của Huyền Như trong vụ án này và VietinBank có trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng.
Phiên xét xử đang tiếp tục với phần tranh luận
Mất tiền vì công ty "sân sau"?
Tại tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Văn Ngoan (bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như) cho rằng các công ty bị Như chiếm đoạt tiền thực chất là các công ty "sân sau" do các ngân hàng lâp nên để che đậy giao dịch gửi tiền bất hợp pháp nhằm kiếm lợi nhuận trái quy định.
Luật sư Ngoan dẫn chứng: An Lộc là công ty "sân sau" của Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank); Hưng Yên là công ty "sân sau" của ngân hàng Hàng Hải. Các công ty này chỉ đứng tên, làm trung gian mở tài khoản thanh toán theo yêu cầu của các ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Thực chất đây là hành vi cho thuê, cho mượn tài khoản, vi phạm pháp luật
"Chính vì vậy, các công ty bỏ mặc lợi ích của chủ tài khoản, tạo điều kiện thuận lợi cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tiền"- luật sư Ngoan nhận định.