Pháp luật

Nhói đau ở phiên xử một đứa trẻ đá chết người

TTO - Một cậu bé mới 16 tuổi bị đưa vào trường giáo dưỡng, được phân công "giữ nhà" nên ảo tưởng có quyền lực rồi đánh chết một đứa trẻ khác.

Nhói đau ở phiên xử một đứa trẻ đá chết người - Ảnh 1.

Bị cáo ngồi đối diện với hội đồng xét xử (HĐXX), trước mặt là tấm biển “Người dưới 18 tuổi”. Phiên xử diễn ra nhẹ nhàng với lời bắt đầu của chủ tọa: “Vì bị cáo dưới 18 tuổi, nên bị cáo được ngồi để trả lời các câu hỏi của HĐXX”.

Đó là một phiên tòa hình sự dành cho người chưa thành niên. 

Đánh chết người

Phòng xử nhỏ của Tòa Gia đình và người chưa thành niên hôm ấy kín người ngồi. Bốn chiếc bàn kê sát vào nhau tạo thành một hình vuông. Bị cáo ngồi một mình một bàn đối diện với 5 người của HĐXX. Hai bàn còn lại, một bàn dành cho luật sư, một bàn dành cho kiểm sát viên ngồi chung với thư ký.

Tóc húi cua, hai tay để trên bàn đan vào nhau, đôi mắt bị cáo luôn nhìn xuống tay mình khi trả lời HĐXX, kiểm sát viên và luật sư về hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện. Giọng bị cáo không chút bối rối.

Bị cáo vừa bước qua tuổi 16 khi thực hiện hành vi giết người. Bị cáo giết một đứa trẻ khác vì cho rằng nó được quyền dùng bạo lực với nạn nhân. Trong khi bị cáo miêu tả lại việc mình đánh nạn nhân đến chết như thế nào thì người thân của bị hại khóc nức nở.

Phần xét hỏi diễn ra như một cuộc trò chuyện. Đó là câu chuyện của những đứa trẻ ở trong cùng một nhà của trường đào tạo và dạy nghề thanh thiếu niên. Bị cáo phải có mặt trong trường là do đi lang thang nhưng không chịu nói cha mẹ mình ở đâu, nhà ở chỗ nào. Người ta xác định bị cáo là trẻ cơ nhỡ, cần gom vào trường để dạy dỗ, giáo dục.

Bị cáo được thầy chủ nhiệm phân công là người coi nhà. Việc của bị cáo là đôn đốc coi sóc học viên khác thực hiện nề nếp kỷ luật. Từ đó bị cáo cho mình có quyền ra lệnh với các bạn khác. Yêu cầu ngồi thì phải ngồi, nói đứng thì phải đứng.

Hôm ấy, ngày 2-2-2017, trước giờ đi ăn sáng, bị cáo đang yêu cầu 12 thành viên khác ngồi thì bị hại đứng lên, khiến 11 em còn lại đứng lên theo. 

Cho rằng bị hại "chống" lại lệnh của mình nên bị cáo buộc bị hại phải ngồi xuống nền nhà, hai tay để sau lưng và dựa vào tường. Bị cáo dùng chân đá 7 lần vào ngực bị hại. 11 em còn lại đứng nhìn bị cáo đá bị hại cho đến khi em này gục xuống. Bị hại tử vong trên đường đi cấp cứu.

Giải thích về hành động của mình, bị cáo nói bị hại có lỗi trước. Việc đá vào ngực bị hại 7 lần là do trước đây bị cáo từng bị một người khác đánh như vậy. Lúc đó bị cáo chỉ thấy tức ngực, khó thở. Bản thân bị cáo nghĩ bị hại không thể chết được. 

Ngay sau khi biết tin bị hại chết, bị cáo không chỉ yêu cầu một đối tượng khác nhận tội thay mình mà còn yêu cầu các học viên chứng kiến vụ việc phải có lời khai thống nhất về hung thủ gây ra cái chết cho bị hại. Sau đó bị cáo bỏ trốn. Phải đến 3 tháng sau bị cáo mới đến công an đầu thú.

Không lường được hậu quả

Khác hẳn các phiên tòa hình sự bình thường, bị cáo vừa có luật sư bào chữa, lại vừa có người giám hộ (mẹ) ngồi ngay sát phía sau. Chỉ cần bị cáo quay lại chút là nhìn thấy mẹ.

Hàng ghế sau phía bên phải là những người thân của bị hại. Họ khắc khổ, đen đúa và không nói nên lời. Hôm ấy bị hại đi chơi điện tử đến khuya, rồi bị đưa về trường, trong khi người thân đang tìm cách đưa về nhà thì nghe tin con mình chết. "Tôi nghèo lắm, con chết mà phải nhờ chị hai làm đám tang" - người cha bị hại đứng lên để nói.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại (miễn phí) đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của trường dạy nghề, bởi để hậu quả nghiêm trọng xảy ra. 

Còn bị cáo bảo lúc đánh thì chỉ nghĩ bị hại giả vờ gục xuống. Bị cáo nói chỉ muốn đánh cho bị hại nhận lỗi mà thôi. Bị cáo cũng không nhớ đá bao nhiêu cái vào bị hại, chỉ nhớ mỗi lần đá đều hỏi một câu nhưng bị hại không trả lời, càng làm bị cáo tức giận.

Bị cáo khai khi bỏ trốn có đi tìm mẹ nhưng không gặp nên bỏ đi lang thang cho đến lúc ra đầu thú. Có mặt ở tòa, mẹ bị cáo nói bà có đến thăm con ở trường nhưng con không nhận mẹ, do bị cáo nói với các thầy cô là không có mẹ. Nhưng lần ra tòa này thì bị cáo chấp nhận cho mẹ làm người giám hộ.

Ghế sau, bác của bị hại khóc nức: "Nhẽ ra trường cũng phải chịu trách nhiệm về việc cháu tôi chết. Nó bị đưa vào trường giáo dưỡng cơ mà, đấy là nơi giáo dục trẻ mà sao lại bị đánh đến chết". Cho tới khi tòa tuyên phạt bị cáo mức án 9 năm tù mà câu hỏi này vẫn chẳng thấy có ai trả lời.

Chẳng có tiền bồi thường

Bố bị hại, một người đàn ông gầy ốm, run rẩy trước tòa. Lúc vụ án mới khởi tố, ông không đòi bồi thường, chỉ mong muốn cơ quan pháp luật xử lý đúng người đúng tội. Nhưng sau đó thì ông đòi bồi thường thiệt hại 600 triệu đồng. Trước tòa, ông nói lúc con chết, ông chẳng có tiền để làm đám tang, phải nhờ vào chị. Giờ cần lấy lại tiền để chi trả tiền ma chay.

Tòa hỏi mẹ của bị cáo về việc gia đình bị hại đòi bồi thường 600 triệu. Mẹ bị cáo trả lời rất nhanh: "Tôi bán bánh tráng trộn, mỗi tháng kiếm lời khoảng hơn 4 triệu. Tôi không có tiền để bồi thường 600 triệu, tôi cần có thời gian để gửi dần, chứ giờ không có".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        404,257       197