Pháp luật

Từ phiên xử vụ chạy thận, khi nào luật sư 'bị đuổi' khỏi tòa?

TTO - Nếu luật sư có dấu hiệu, có hành vi làm mất trật tự, ảnh hưởng đến việc xét xử có thể bị yêu cầu ra khỏi phiên tòa.

Từ phiên xử vụ chạy thận, khi nào luật sư bị đuổi khỏi tòa? - Ảnh 1.

Luật sư Trần Vũ Hải tại phiên tòa sáng 17-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngày 17-5, một sự kiện hi hữu xảy ra trong phiên tòa xét xử vụ án gây chết 8 người chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình: Luật sư Trần Vũ Hải bị HĐXX yêu cầu ra khỏi phòng xử vì không tuân thủ theo sự điều khiển của chủ tọa.

"Cãi" chủ tọa, bị mời khỏi phiên tòa

Theo đó, trong phần xét hỏi của mình đối với các bị cáo, luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty Trâm Anh) đặt nhiều câu hỏi với đại diện của Công ty Thiên Sơn để làm rõ lời khai của thân chủ rằng hợp đồng giữa Thiên Sơn với Trâm Anh được lập sau khi xảy ra sự cố.

Luật sư Hải cũng dành nhiều câu hỏi với đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. 

Trong phần này, chủ tọa đã nhắc nhở luật sư tập trung những câu hỏi nằm trong phạm vi vụ án. 

Tuy nhiên luật sư Hải cho rằng mình đang hỏi trong phạm vi vụ án và làm rõ những quan điểm bảo vệ cho thân chủ.

Sau đó, luật sư Hải đề nghị được hỏi đại diện của ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc bệnh viện. 

Cùng lúc đó ông Hải cũng đề nghị được hỏi đại diện Bộ Y tế tuy nhiên chủ tọa cho biết việc yêu cầu triệu tập đại diện Bộ Y tế thì nhiều người đã đề nghị, và HĐXX đã quyết định nên đề nghị ông Hải hỏi người khác. 

Luật sư Hải tiếp tục đề xuất được hỏi những người khác nhưng chủ tọa cho rằng luật sư Hải cần hỏi ai thì đề xuất rõ nhưng ông Hải vẫn tiếp tục nói. Cả đến khi chủ tọa yêu cầu luật sư Hải ngồi xuống, ông Hải cũng vẫn tiếp tục nói. 

Đến lúc này, chủ tọa yêu cầu lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ mời luật sư Hải ra khỏi phòng xử án. Luật sư Hải vẫn không ngưng nói và chủ tọa kiên quyết đề nghị cảnh sát làm nhiệm vụ đưa ông Hải ra ngoài.

Ngay sau đó, chủ tọa mời luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) tham gia thẩm vấn. 

Trong lúc luật sư Thiệp hỏi, ông Hải ngồi sau tiếp tục có ý kiến khiến luật sư Thiệp đã đề nghị HĐXX yêu cầu lực lượng cảnh sát đưa ông Hải ra ngoài phòng xử.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng ông mong muốn được hỏi đại diện Bộ Y tế để nói rõ các vấn đề về chuyên môn của vụ án.

"Việc tôi đặt câu hỏi là mong muốn làm rõ bản chất của vụ án, làm theo quy trình nào, ai hay cơ quan nào chịu trách nhiệm. Bộ Y Tế cần có đại diện giải thích. Nhiều luật sư đề nghị mời, toà không thích mời, mặc dù đại diện Bộ Y tế có mặt tại toà hai hôm nay. Tôi chỉ nhắc lại phải mời, dù sao đây cũng là vụ án liên quan đến y tế và chuyên khoa sâu, cần những chuyên gia và những người có trách nhiệm Bộ Y tế giải thích và cho ý kiến" - ông Hải nói.

Về tình huống luật sư Lê Văn Thiệp yêu cầu HĐXX đưa luật sư Hải ra ngoài, ông Hải cho rằng khi đó luật sư Thiệp xét hỏi bị cáo Quốc. Luật sư Hải xin toà phát biểu, đề nghị luật sư Thiệp chỉ hỏi, không giải thích vòng vo, khó hiểu đối với bị cáo Quốc, là thân chủ của luật sư Hải. Trước đó luật sư Thiệp đã nhiều lần giơ tay, trong khi luật sư Hải đang xét hỏi.

Không phải trường hợp đầu tiên

Trước đó, đầu năm 2018, TAND TP.HCM xét xử vụ án 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của NaviBank có hành vi vi phạm khi để Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính ngân hàng này, luật sư Ngô Văn Tuấn trong phần phát biểu của mình đã có ý nói các cơ quan tiến hành tố tụng "đã sai hết lần này đến lần khác". 

Từ phiên xử vụ chạy thận, khi nào luật sư bị đuổi khỏi tòa? - Ảnh 2.

Các luật sư cũng phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu cảnh sát tư pháp vào dẫn giải luật sư Ngô Văn Tuấn ra khỏi bục phát biểu. 

Hôm đó, luật sư Trần Vũ Hải cũng có mặt tham gia bào chữa cho các bị cáo đã xin HĐXX để luật sư Tuấn tự về chỗ, không cần phải lực lượng cảnh sát đưa xuống.

Trước đó, cũng tại TAND TP.HCM, thẩm phán Vương Văn Nghĩa (hiện đã nghỉ hưu) đã yêu cầu một luật sư ra khỏi phòng xét xử bởi không tuân thủ sự điều khiển của chủ tọa.

"Nội quy phiên tòa ghi rất rõ là trong phòng xét xử tất cả mọi người phải tuân theo sự điều khiển của chủ tọa. Vậy nên, bất kể ai có thể làm ảnh hưởng đến việc xét xử, ảnh hưởng đến phiên tòa thì thẩm phán chủ tọa đều có quyền yêu cầu cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phiên tòa. 

Thực tế, quyền này quy định cho thẩm phán chủ tọa để tránh việc gây rối hoặc gây ra những thiệt hại về tinh thần và vật chất trong một phiên tòa có quá nhiều xung đột giữa bị cáo, người bị hại, giữa bị cáo và bên buộc tội. 

Trong quá trình xét xử, nếu luật sư xét hỏi lòng vòng, không đúng trọng tâm phiên tòa thì chủ tọa có thể yêu cầu luật sư dừng lại. Nếu luật sư không dừng lại, không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa thì chủ tọa có quyền cắt phần xét hỏi, bào chữa của luật sư. Thậm chí, nếu luật sư có dấu hiệu, có hành vi làm mất trật tự tại phiên tòa thì có thể bị yêu cầu ra khỏi phiên tòa" - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng chia sẻ, ngoài việc yêu cầu luật sư ra khỏi phiên tòa để phiên tòa ổn định thì thẩm phán cũng có những quyền khác như gửi công văn về Đoàn luật sư (nơi quản lý luật sư) đề nghị xử lý tùy theo mức độ, hoặc có khi, luật sư cũng bị xử phạt hành chính.

Trong thời gian làm thẩm phán, ông Nghĩa cũng cho biết ông đã 1 lần yêu cầu luật sư ra khỏi phòng xử và 1 lần gửi công văn yêu cầu xử lý luật sư bởi khi tham gia bào chữa cho bị cáo, luật sư này đã phát biểu rằng thẩm phán chủ tọa không đủ tư cách tham gia phiên tòa. 

"Đây là phát biểu vô căn cứ và nhục mạ thẩm phán chủ tọa. Do đó, sau phiên tòa tôi đã gửi công văn cho Đoàn luật sư đề nghị xử lý" - ông Nghĩa kể.

Chấn chỉnh thái độ luật sư vắng mặt trong vụ bà Hứa Thị Phấn Chấn chỉnh thái độ luật sư vắng mặt trong vụ bà Hứa Thị Phấn

TTO - Hai luật sư đăng ký tham gia xét hỏi trong vụ bà Hứa Thị Phấn nhưng lại vắng mặt. HĐXX yêu cầu Liên đoàn luật sư Việt Nam chấn chỉnh thái độ luật sư tham gia các phiên xử đại án.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        397,585       1,202