TTO - Để đòi nợ từ nhóm Phương Trang, Ngân hàng Xây dựng đã khởi kiện 26 vụ án tại nhiều TAND quận, huyện. Hầu hết đơn kiện đã được thụ lý.
Các bị cáo tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Ngày 16-5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đối với Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm về hành vi cố ý làm trái, hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang.
Đại điện Ngân hàng Xây dựng cho biết từ năm 2010-2012 (trước khi bị mua lại và đổi tên) Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân cho Công ty Phương Trang cùng 18 công ty, 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (gọi tắt là nhóm Phương Trang) tổng cộng 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, tổng số tiền giải ngân trên sổ sách là 16.468 tỉ đồng.
Sau đó nhóm Phương Trang đã tất toán 36 khoản vay, tính đến ngày khởi tố vụ án thì nhóm Phương Trang còn dư nợ 25.941 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là 9.437 tỉ đồng và dư nợ lãi là 16.504 tỉ.
Tuy nhiên, Công ty Phương Trang xác định, trong tổng số dư nợ gốc theo sổ sách mà Ngân hàng Đại Tín giải ngân thì công ty này chỉ nhận được 3.936 tỉ đồng.
Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Ngân hàng Xây dựng đã kế thừa toàn bộ khoản vay của nhóm Phương Trang.
Tại tòa, đại diện Ngân hàng Xây dựng cho biết khi chuyển giao cổ phần từ nhóm Phú Mỹ của bà Hứa Thị Phấn sang nhóm Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh, các hồ sơ vay không bị ảnh hưởng.
Hiện nay nhóm Phương Trang vẫn chưa tất toán 46 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, dư nợ gốc 9.437 tỉ đồng, tính đến nay cả gốc và lãi hơn 27.000 tỉ đồng.
Đại diện Ngân hàng Xây dựng cho biết đơn vị này đã khởi kiện 26 vụ án ra tòa án nhân dân các quận 1, 3, 7, 11, Thủ Đức, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Bình Chánh, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), quận Hải Châu (Đà Nẵng), huyện Bến Lức (Long An)... Hiện tại hầu hết các vụ án đã được thụ lý, 1 vụ tạm đình chỉ do chờ xác minh tại cơ quan điều tra.
Sau lời khai này, HĐXX đã yêu cầu Ngân hàng Xây dựng với tư cách nguyên đơn dân sự phải có văn bản yêu cầu tất cả các tòa án trên đình chỉ vụ án chờ kết quả của vụ án hình sự này.
Theo chủ tọa phiên tòa, khi vụ án hình sự đang được giải quyết thì tất cả các vụ án tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đều phải tạm đình chỉ, chờ bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mới xét xử tiếp hoặc đình chỉ.