TTO - Các luật sư tại phiên tòa xét xử vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, trong khi ông này đang ở nước ngoài.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (áo hồng) và 2 bị cáo khác tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Các luật sư cho rằng ông Dương là người phải chịu trách nhiệm và biết rõ tình tiết vụ án, không triệu tập người này dễ dẫn đến gây bỏ lọt tội phạm.
Ông Trương Quý Dương được cơ quan tố tụng xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Tuy nhiên trước khi phiên tòa diễn ra, từ đầu tháng 5, ông Dương đã có đơn xin vắng mặt không đến tòa do đang ở nước ngoài.
Ông Dương vắng mặt gây khó khăn cho quá trình xét xử?
Tại phiên toà sáng nay 15-5, luật sư Lê Văn Thiệp - bảo vệ cho bác sĩ Hoàng Công Lương - đã đề nghị TAND TP Hoà Bình triệu tập hội đồng chuyên môn Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình để làm rõ tính đúng đắn hoạt động chữa bệnh của bác sĩ Hoàng Công Lương khi xảy ra sự cố y khoa ngày 29-5-2017.
Luật sư cũng đề nghị triệu tập đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để làm rõ việc phân cấp thẩm quyền ký hợp đồng dựa trên giá trị hợp đồng sử chữa của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình ký với công ty Thiên Sơn.
"Cần xác định có hay không việc lách các quy định về thẩm quyền để trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng", luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Theo ông Thiệp, việc có mặt hội đồng chuyên môn và đại diện sở y tế Hòa Bình sẽ làm sáng tỏ trách nhiệm của bác sĩ Lương cũng như mở rộng điều tra làm rõ hành vi bỏ lọt tội phạm liên quan đến hành vi ký kết hợp đồng đấu thầu sửa chữa mua sắm thiết bị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Luật sư yêu cầu triệu tập những người trực tiếp liên quan đến hợp đồng mua thiết bị - Video: DANH TRỌNG
Một vấn đề được dư luận rất quan tâm là trách nhiệm của ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc bệnh viện. Luật sư Thiệp đề nghị nhất thiết phải triệu tập ông Dương để làm rõ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đôn đốc chung của bệnh viện trong đó có việc mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế.
"Sự vắng mặt của ông Dương sẽ gây khó khăn trong việc xét xử vụ án vì không làm rõ được nhiều tình tiết quan trọng. Trong trường hợp này, tòa xác định ông Dương là người có quyền, nghĩa vụ liên quan tuy nhiên ông là người biết được đầy đủ tình tiết liên quan đến vụ án", luật sư Thiệp trình bày quan điểm.
"Và có thể thấy rằng việc xác lập tư cách của ông Dương tham gia tố tụng là người vừa có tư cách nghĩa vụ liên quan đồng thời là người biết được các tình tiết. Theo quy định ông Dương có thể bị áp giải nếu như không tới để làm rõ vụ án".
Theo luật sư, nếu không triệu tập được ông Dương thì sẽ không làm rõ được các hành vi về trách nhiệm của ông Dương và có thể "sẽ bỏ lọt tội phạm".
Ông Thiệp cũng đề nghị triệu tập các công ty đã gửi báo giá đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng thực tế là làm theo yêu cầu của công ty Thiên Sơn. Chính việc này đã vi phạm điều cấm của Luật đấu thầu, tức là có hiện tượng thông thầu đối phó cơ quan chức năng.
"Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả gây chết người", luật sư Thiệp nhấn mạnh.
Luật sư Lê Văn Thiệp tại phiên tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Hợp đồng được ký sau sự cố 8 người chết?
Luật sư Nguyễn Tiến Dũng - bảo vệ cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc - đưa ra thông tin khiến nhiều người sửng sốt: Hợp đồng sửa chữa thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình giữa công ty Thiên Sơn và công ty Trâm Anh được ký kết vào chiều ngày 29-5-2017, tức là sau khi xảy ra sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong.
Theo luật sư Dũng, trên thực tế, hợp đồng thể hiện ký kết ngày 25-5. Tuy nhiên quá trình làm việc với bị cáo, ông Quốc cho luật sư biết chiều ngày 29-5, bà Ngô Thị Tuyết Minh - phó giám đốc công ty Thiên Sơn - mới mang hợp đồng đến bệnh viện đưa cho ký để hoàn thiện hồ sơ.
Để làm rõ trách nhiệm trong việc ký hợp đồng, luật sư đề nghị triệu tập bà Ngô Thị Tuyết Minh và một người làm chứng là ông Nguyễn Văn Chương vì ngày 25-5, ông Chương đi cùng bị cáo Quốc đi từ miền trung đến Bắc Ninh nên không thể ký hợp đồng trong ngày này.
Luật sư Trần Vũ Hải còn cho biết có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình ký kết hợp đồng sửa chữa vì từ ngày 18-4 đã có việc công ty Trâm Anh gửi báo giá đến công ty Thiên Sơn, trong khi ngày 20-4 mới có việc bác sĩ Lương đề xuất sửa chữa thiết bị tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Luật sư Hải cho rằng nhất định phải triệu tập hai người ký hợp đồng là ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Tuấn Anh - giám đốc công ty Thiên Sơn.
"Nếu không triệu tâp được những người này thì không thể làm rõ việc hợp đồng giả. Tòa án không thể bỏ qua tình tiết này", luật sư Hải nhấn mạnh.
Các luật sư tại phiên toà - Ảnh: DANH TRỌNG
Luật sư của bị hại cũng cho biết nguyện vọng của gia đình các bệnh nhân thiệt mạng là triệu tập, làm rõ vai trò những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp, chính là những người đã ký hợp đồng sửa chữa thiết bị lọc nước RO gây ra cái chết 8 bệnh nhân.
"Cá nhân trực tiếp là ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Tuấn Anh Tuấn. Đề nghị tòa triệu tập để làm rõ, làm thỏa lòng gia đình các nạn nhân", ngay sau lời này của luật sư, nhiều người dân theo dõi phiên tòa tại phòng dành cho báo chí đã vỗ tay hưởng ứng.
Các luật thậm chí cho rằng nếu không triệu tập được những người này thì HĐXX cần hoãn phiên tòa.
Trước đề nghị này, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa cho biết quan điểm không yêu cầu triệu tập thêm ai trong phiên tòa. Đối với một số người có quyền nghĩa vụ liên quan, đây là lần triệu tập hợp lệ thứ 2 nên đề nghị tòa tiếp tục xét xử không hoãn phiên tòa.
"Có những vấn đề đã làm rõ trong hồ sơ vụ án, có những vấn để sẽ được làm rõ trong quá trình xét xử", đại diện VKS nói.
Sau khi HĐXX hội ý, chủ tọa phiên tòa quyết định không chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa với lý do đây là lần thứ 2 hợp lệ triệu tập ông Dương và một số người khác. Những người này đã có lời khai trong vụ án nên không cần thiết phải hoãn.