TTO - Luật hiện hành không cho phép lực lượng chức năng dùng khóa số 8 để còng tay, nếu trẻ em không trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác.
Hình ảnh tay em Q.H. bị còng vào thành ghế được lan truyền trên Facebook
Câu chuyện bé gái Nguyễn Đắc Q.H. (13 tuổi), con ông Nguyễn Văn Đằng, 56 tuổi, trú tại phường Phước Nguyên, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị công an còng tay đưa về công an phường bị dư luận phản ứng khá gay gắt.
Không chỉ còng tay khi bị dẫn về công an phường, bé gái này còn bị tiếp tục còng tay vào thành ghế khi bị giữ ở trụ sở công an phường.
Việc làm của Công an phường Phước Nguyên vi phạm pháp luật hay chỉ mang tính "sai sót" như ý kiến của đại tá Lê Tôi Sủng - giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - trả lời báo chí?
Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý kịp thời nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ mà cơ quan chức năng quyết định sử dụng vũ lực hoặc dùng công cụ hỗ trợ để khống chế đối tượng.
Trở lại với vụ việc xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Đằng, ở TP. Bà Rịa hôm 10-5, Công an phường Phước Nguyên cho biết gia đình ông Đằng đã chuẩn bị hai bình gas, 20 lít xăng cùng một số vật dụng khác chống lại việc cưỡng chế.
Khi đoàn cưỡng chế đến làm việc, gia đình ông Đằng và bà Lê Thị Loan ở trong nhà dùng gạch đá ném ra đoàn cưỡng chế và dọa sẽ tự thiêu, đốt nhà nên cảnh sát bảo vệ công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhảy vào nhà áp chế. Công an bắt ba cha con ông Đằng dẫn giải về phường để làm việc và còng tay lại vì sợ gia đình ông Đằng sẽ bỏ chạy quay lại nhà, gây ra nguy hiểm.
Việc lực lượng chức năng, vì lo sợ gia đình ông Đằng đốt nhà, tự thiêu nên đột nhập vào nhà để khống chế ba cha con ông Đằng, trong đó có bé gái Nguyễn Đắc Q.H (13 tuổi), là giải pháp phù hợp hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng, tài sản của chính gia đình ông Đằng.
Tuy nhiên, khi về đến trụ sở công an phường Phước Nguyên, thì việc còng tay bé Q.H để làm việc là hoàn toàn không đúng pháp luật.
Theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sẽ được thay thế bằng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ ngày 1-7-2018), khóa (còng) số 8 là một trong các loại công cụ hỗ trợ được trang bị cho lực lượng công an.
Việc sử dụng công cụ hỗ trợ này phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, nghiêm cấm hành vi lạm dụng để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Theo Thông tư 30/2012/TT-BCA, không được sử dụng còng số 8 và các công cụ hỗ trợ khác đối với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác.
Khi cháu Q.H, bị đưa về trụ sở Công an phường Phước Nguyên thì các điều kiện được sử dụng còng số 8 đối với trẻ em được nêu tại Thông tư 30 của Công an phường Phước Nguyên không còn.
Điều này có nghĩa là việc Công an phường Phước Nguyên dùng còng số 8 để còng tay bé Q.H. vào thành ghế với lý do ngăn "bỏ chạy quay lại nhà, gây ra nguy hiểm" là không thuyết phục, không đúng pháp luật.
Việc còng tay bé Q.H. tại trụ sở công an phường của Công an phường Phước Nguyên là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Bộ Công an, chứ không phải sai sót như đại tá Lê Tôi Sủng phát biểu.
Mọi hành vi còng tay trẻ em khi trẻ không có hành vi tấn công hoặc chống trả, đe doa tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác là hành vi phạm pháp luật.
Người nào thực hiện hành vi này phải bị xử lý theo quy định và phải bồi thường thiệt hại.