TTO - Hai lần bị xử tội làm con dấu giả nhưng chỉ là án treo, bà Hương không hoàn lương mà tiếp tục cùng con trai có trình độ cao làm giả đủ loại con dấu để sản xuất hàng loạt văn bằng, chứng chỉ giả.
Nghi can Nguyễn Thị Hương bị bắt giữ vì làm giả con dấu, tài liệu của nhiều cơ quan tổ chức - Ảnh: MINH TÂM
Ngày 10-5, cơ quan an ninh điều tra (PA 92) Công an tỉnh Nghệ An cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Thị Hương, 62 tuổi, ngụ phường Hà Huy Tập, TP Vinh để điều tra về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Bị can Trần Đăng Khương (35 tuổi, con trai bà Hương) cũng bị khởi tố với tội danh tương tự nhưng được cho tại ngoại.
Trước đó, lực lượng công an đã bắt quả tang bà Hương đang giao các tài liệu, giấy tờ giả cho ông N.Đ.T. (72 tuổi, ngụ phường Hưng Bình, TP Vinh) để ông T. đưa đi giao cho khách đặt hàng trước đó.
Mở rộng điều tra, khám xét nhà con gái bà Hương ở xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc), lực lượng chức năng đã thu giữ 283 con dấu giả của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, trường học.
Đáng chú ý, trong đó có cả con dấu giả của cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An và công an một số huyện, thành phố, thị xã, cũng như con dấu của các sở ban ngành, dấu của tòa án nhân dân các cấp.
Con dấu của Công an huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị làm giả - Ảnh: MINH TÂM
Theo hồ sơ của công an, bà Hương là cán bộ hưu trí, thương binh hạng 4/4. Năm 2006, bà Hương đã bị TAND TP Vinh tuyên phạt 15 tháng tù (án treo) về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Đến năm 2016, bà Hương tiếp tục phạm tội với tội danh tương tự, bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xử phạt 24 tháng tù treo. Đang trong thời gian chấp hành án treo này, bà Hương tiếp tục dùng nhà mới mua của con gái làm địa điểm sản xuất giấy tờ giả.
Con trai Trần Đăng Khương là "trợ lý" đắc lực của bà Hương. Khương từng theo học 4 trường đại học, thành thạo công nghệ thông tin, thường xuyên lên mạng tìm các mẫu bằng, giấy tờ tài liệu của cơ quan nhà nước về chỉnh sửa.
Bà Hương thì mua sắm máy móc để khắc các con dấu, nhận mối đã quen biết từ trước có nhu cầu làm giấy tờ giả...
Theo một cán bộ điều tra, các văn bằng, chứng chỉ do mẹ con Hương làm rất tinh vi, giống y như thật nên bằng mắt thường rất khó phát hiện. Bà Hương sản xuất ra 2 loại con dấu, một loại dấu in và một loại dấu nổi, dùng để trực tiếp đóng lên các giấy tờ.
Hầu hết những người mua văn bằng, chứng chỉ giả của bà Hương là để hợp thức hóa hồ sơ đi du học, xuất khẩu lao động, xin việc làm... Các chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính, bằng cao đẳng, đại học được rao bán 300.000-800.000 đồng.
Đây được đánh giá là nhóm làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan nhà nước lớn nhất ở Nghệ An từ trước đến nay bị phát hiện.