Pháp luật

Phiên phúc thẩm Oceanbank kéo dài đến 22h40, nên hay không?

TTO - Ngày 3-5, hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã có một ngày xét xử kéo dài từ 8h sáng đến 22h40 đêm. Đó là phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm. Điều này đúng hay sai, nên hay không?

Phiên phúc thẩm Oceanbank kéo dài đến 22h40, nên hay không? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói lời sau cùng tại tòa tối 3-5 - Ảnh: D. THANH

Và có lẽ đây là bản án đầu tiên HĐXX đã kiến nghị chánh án TAND tối cao xem xét giảm án cho bị cáo.

Rời phiên tòa là rã rời...

"Có lẽ đây là phiên tòa giữ kỷ lục về thời gian xét xử muộn, tôi chưa từng thấy phiên tòa nào làm việc muộn như vậy. 

Tuy Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về thời gian làm việc của phiên tòa nhưng phần lớn trước nay các phiên tòa đều được mở theo thời gian hành chính hoặc có thể làm sớm hơn một chút, chiều có thể trễ hơn một chút để không phải kéo dài phiên tòa đến ngày khác. Nhưng kéo dài phiên tòa đến gần nửa đêm thì lần đầu tiên tôi thấy" - một vị là thẩm phán đã thốt lên như vậy khi phiên tòa được nghỉ lúc 22h40.

Vị này cũng cho rằng về luật tố tụng thì không sai nhưng như vậy không đảm bảo được thời giờ làm việc, thì giờ nghỉ ngơi của những người tham gia tố tụng và tiến hành tố tụng.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm - bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - cũng thừa nhận phiên tòa kéo dài đến 22h40 là quá muộn khiến những người tham gia tố tụng mệt mỏi. 

Ông nói "sau khi rời phiên tòa thì rã rời". "Tuy nhiên, tôi đánh giá cao HĐXX của phiên tòa này, bởi HĐXX tạo điều kiện cho các luật sư bào chữa nói hết các ý để bào chữa cho thân chủ của mình cũng như bản án đã ghi nhận những tình tiết tích cực cho bị cáo" - ông Tâm nói.

Về việc HĐXX có vi phạm pháp luật về lao động (làm việc 8 giờ/ngày) hay không, ông Tâm nói rằng quan hệ trong việc xét xử này không phải là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, vậy nên phiên tòa không vi phạm pháp luật về lao động.

Ở đây các thẩm phán đã làm việc quá thời gian quy định nhưng lại là sự tích cực của các thẩm phán chứ không phải bị ép buộc phải làm.

Còn một lãnh đạo TAND tối cao thì cho rằng trong việc xét xử đến hơn 22h, nếu nhìn nhận thì thấy được sự tích cực của HĐXX khi cố gắng để các luật sư và VKS tranh luận đến cùng. 

Khi VKS giữ nguyên quan điểm thì luật sư đã đề nghị thư ký phiên tòa ghi nhận những phần mà VKS không đối đáp và kiến nghị này đã được ghi nhận trong bản án.

Dù cũng thừa nhận phiên tòa kéo dài đến 22h40 là quá muộn nhưng vị này cho rằng rất khó trách HĐXX trong vụ án này.

Phiên phúc thẩm Oceanbank kéo dài đến 22h40, nên hay không? - Ảnh 2.

Bị cáo Hà Văn Thắm nói lời sau cùng tại phiên tòa tối 3-5 - Ảnh: DIỆP THANH

Tín hiệu tích cực cho bị cáo

Trong phần tuyên án đối với bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank: tù chung thân về 4 tội cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản); 

Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank: tử hình về 3 tội: tham ô, lạm dụng chức vụ, cố ý làm trái), HĐXX ghi nhận rằng cả 2 bị cáo đều thành khẩn khai báo nhưng HĐXX đã không tuyên giảm án cho 2 bị cáo mà tuyên y án sơ thẩm.

Điều khá đặc biệt là HĐXX đã kiến nghị chánh án TAND tối cao giảm án cho 2 bị cáo này từ tử hình xuống chung thân (Nguyễn Xuân Sơn) và từ chung thân xuống án có năm (đối với bị cáo Hà Văn Thắm).

Theo HĐXX thì bị cáo Nguyễn Xuân Sơn không oan bởi Sơn đã nhận 246 tỉ đồng từ bị cáo Hà Văn Thắm để chi chăm sóc khách hàng. 

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 20% cổ phần của OceanBank, do đó trong số tiền 246 tỉ đồng này có 20% là tiền của PVN (tương đương 49 tỉ đồng). Như vậy, Sơn đã tham ô số tiền 49 tỉ đồng.

Về lý do tại sao HĐXX phúc thẩm không giảm án ngay cho bị cáo Sơn mà lại kiến nghị lãnh đạo TAND tối cao xem xét giảm án thì luật sư Nguyễn Minh Tâm phân tích: "Tại phiên tòa, gia đình bị cáo Sơn đã nộp 5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, một giấy cam kết của một người quen của ông Sơn sẽ nộp khắc phục giúp Sơn 32 tỉ đồng và các cơ quan tố tụng cũng đã kê biên nhiều tài sản có giá trị khác của ông Sơn. 

Tuy nhiên, số tiền 32 tỉ đồng này mới là cam kết của người quen của bị cáo Sơn mà việc nộp tiền khắc phục vẫn chưa được thực hiện.

 HĐXX ghi nhận nỗ lực đó. Nếu ông Nguyễn Xuân Sơn khắc phục được 3/4 số tiền bị quy kết là tham ô (37 tỉ trong tổng số 49 tỉ) theo quy định của pháp luật thì ông Sơn có thể được xem xét giảm án từ tử hình xuống chung thân".

Nói về thẩm quyền của chánh án TAND tối cao trong việc kiến nghị giảm án của HĐXX, ông Nguyễn Trí Tuệ - phó chánh án TAND tối cao - cho biết một trong những mục tiêu của việc xét xử án tham nhũng và chức vụ là thu hồi số tiền thất thoát cho Nhà nước: "Nếu trong giai đoạn thi hành án mà bị cáo Sơn khắc phục được số tiền này thì sẽ được các cơ quan tố tụng xem xét giảm án. Điều này được quy định trong luật".

Tương tự, đối với bị cáo Hà Văn Thắm, dù được ghi nhận là tích cực hợp tác với cơ quan chức năng nhưng số tiền thất thoát do hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo này là rất lớn nên dù tòa có áp dụng hết tình tiết giảm nhẹ cũng không thể giảm án. 

Đồng thời, bản án cũng xét hành vi chỉ đạo chi lãi ngoài của bị cáo này thực hiện trong hoàn cảnh thị trường tài chính không ổn định. Nhiều ngân hàng cũng thực hiện hành vi tương tự. Bị cáo có nhân thân rất tốt, nhiều thành tích, thành khẩn khai báo.

Dù không giảm án cho ông Thắm song Tòa cấp cao đề nghị các cơ quan chức năng khi tiếp nhận bản án cần xem xét giảm xuống tù có thời hạn cho bị cáo này.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng:

Không đảm bảo sức khỏe cho bị cáo

Thời gian làm việc của thẩm phán, thư ký và công chức khác trong tòa án phải tuân thủ pháp luật về lao động theo Bộ luật lao động hiện hành. Bộ luật lao động chỉ quy định "thời giờ làm việc" theo năm, tháng, tuần, ngày và giờ (làm thêm, ban đêm, tăng ca, nghỉ giữa giờ...) chứ không quy định về "giờ hành chính" hay "ngoài giờ hành chính". Nhưng đó là "thời giờ làm việc", còn "giờ xét xử" lại khác.

"Giờ xét xử" phải tuân thủ theo pháp luật tố tụng, mà pháp luật tố tụng lại không quy định cụ thể hay cấm xét xử ngoài giờ hành chính, ban đêm hay ngày nghỉ. Và nguyên tắc xét xử theo luật tố tụng thì phải "liên tục", trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa. Thời gian nghỉ và tạm ngừng phiên tòa do HĐXX quyết định.

Vì lẽ đó, xét xử ngoài giờ hành chính là không phạm luật. Tuy nhiên, việc quyết định kéo dài thời gian xét xử đến hơn 22h như vậy sẽ không đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo, những thành phần tham gia tố tụng khác, kể cả HĐXX, có thể ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

Hi hữu phiên phúc thẩm Oceanbank kéo dài đến 22h30 Hi hữu phiên phúc thẩm Oceanbank kéo dài đến 22h30

TTO - Đến 22h ngày 3-5, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm và đồng phạm vẫn đang diễn ra với phần nói lời sau cùng của các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát cho biết đây là lần đầu tiên ông tham gia phiên tòa muộn như vậy.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,213       747