TTO - Đó là câu nói nức nở của mẹ cô gái bị đâm chết, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử chàng trai đã ra tay sát hại người yêu chỉ vì một phút quá nóng giận.
Hai người cha khốn khổ nắm tay bàn chuyện tìm cho bị cáo một con đường sống - Ảnh: LÊ NGỌC LUÂN
Câu chuyện này được luật sư Lê Ngọc Luân - người bào chữa cho bị cáo - kể lại với những cảm xúc sâu sắc.
Phút nóng giận
Tháng 11-2017, sau khi TAND TP.HCM tuyên án, ba của bị cáo Phạm Ngọc Sơn (26 tuổi, quê Đắk Lắk) đến nhờ tôi bào chữa cho con mình tại phiên tòa phúc thẩm. Tôi tiếp nhận vụ án mà lòng băn khoăn.
Hành vi của bị cáo nghe qua rất tàn nhẫn. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên là ba mẹ của chị Nguyễn Thị Thùy D. (nạn nhân) lại làm đơn xin tha tội chết cho người giết con mình.
Gặp tôi tại trại giam, Sơn tâm sự: "Em và D. yêu nhau rất nhiều. Cả hai bên gia đình đều biết và cũng tính chuyện cưới xin. Đó là một tình yêu sâu đậm. Em không bao giờ muốn mất người mình yêu".
Sơn từng về nhà người yêu tại Quảng Nam ở sáu tháng, gọi ba mẹ và xưng con, được gia đình D. yêu quý như con cái trong nhà. D. cũng có thời gian về ở với gia đình Sơn. Rồi hai người giận dỗi, D. đi vô Sài Gòn. Nhắn tin, gọi điện cho người yêu không được, Sơn vào Facebook thấy bạn gái ngồi bên cạnh hai người đàn ông. Sơn ghen tuông, tìm đến phòng trọ nói chuyện. Hai người cãi nhau.
Trong lúc nóng giận, D. thách thức: "Muốn giết thì giết, làm gì thì làm". Tính sĩ diện của đàn ông bốc lên, Sơn ra chợ mua dao.
"Lúc đi mua dao, em như người vô hồn. Khi về đến phòng trọ, hai người vẫn cãi vã. Em không kiềm chế được mình mà cầm dao đâm nhiều nhát vào người yêu". Suốt cả câu chuyện, Sơn luôn nhắc đến D. bằng từ "người yêu em".
Tôi hỏi Sơn: "Tại sao em kháng cáo trong khi em từng nói muốn được chết với người yêu?". Sơn giãi bày thực ra Sơn chấp nhận tất cả, kháng cáo không phải tham sống sợ chết.
"Em nói với mọi người rằng em chấp nhận hình phạt nghiêm khắc nhất. Nhưng ở trong này em nghĩ mẹ mới mất, giờ ba không có ai. Nếu em ra đi nữa thì chắc có lẽ ba em không sống nổi. Em muốn được chăm sóc ba và trả nợ cho ba mẹ người yêu" - Sơn tâm sự.
Phiên tòa phúc thẩm đối với Sơn được TAND cấp cao tại TP.HCM mở ngày 23-4. Chủ tọa hỏi dồn:
"Bị cáo đâm bị hại 22 nhát khiến bị hại thủng gan, thủng phổi, chết ngay tại chỗ. Tại sao bị cáo lại thực hiện hành vi dã man đấy? Án sơ thẩm đối với bị cáo còn thiếu tình tiết tăng nặng là giết người có tính chất côn đồ. Bị cáo kháng cáo mà có tình tiết giảm nhẹ gì mới để tòa xem xét không? Không có ư? Chỉ thấy án tử hình là quá nặng, xin được sống thôi đúng không?"...
Trước những câu hỏi này, Sơn cúi đầu lí nhí.
Ba mẹ D. lặn lội từ Quảng Nam vào tận TP.HCM xin tòa tha tội chết cho Sơn. Tại tòa, mẹ bị hại đứng chắp tay trước ngực cầu xin cho Sơn. Lý giải sự bao dung của gia đình mình, ba của D. nói: "Con tôi chết gia đình tôi đau khổ rồi, tôi không muốn gia đình bị cáo lặp lại nỗi đau khổ đó một lần nữa".
Với trách nhiệm của mình, ông nộp cho tòa nhiều chứng cứ mới: gia đình bị cáo có công với cách mạng, bị cáo đi nghĩa vụ quân sự và đạt được một số thành tích, gần 70 người dân là hàng xóm viết đơn xin giảm án cho bị cáo; xác nhận của chính quyền địa phương bị cáo có nhân thân tốt...
Riêng cá nhân tôi, với tư cách là luật sư bào chữa, tôi xin tòa được trình bày thêm: bị cáo phạm tội khi thần kinh bị kích động. Khi D. đòi chia tay, Sơn cầu xin người yêu cho mình 30 phút để nói chuyện và được D. đồng ý. Nhưng khi Sơn đang nói dở thì D. bỏ đi lên gác.
Sơn níu tay người yêu xin nói chuyện thêm 10 phút. Nếu sau khi nói xong mà bạn gái vẫn không đồng ý thì Sơn sẽ chấp nhận chia tay. Thế nhưng D. vẫn không đồng ý, dẫn đến hai người cự cãi và kết cục đau lòng xảy ra...
Khi đại diện viện kiểm sát đề nghị y án tử hình, ba của bị cáo mất bình tĩnh. Được gọi trình bày, ông bất ngờ quỳ sụp xuống đất: "Tôi sẽ bán nhà để bù đắp cho gia đình bị hại, xin tòa cho con tôi một con đường sống". Mẹ bị hại lúc đó cũng đứng lên nức nở: "Tôi xin quý tòa, tôi lạy quý tòa, xin quý tòa cho bị cáo một con đường sống".
Bản thân tôi từng chứng kiến nhiều vụ án với nhiều hoàn cảnh đau lòng, nhưng vụ án này để lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Tôi không thể quên hình ảnh mẹ bị hại và bị cáo ôm nhau khóc trên đường dẫn bị cáo ra xe tù.
Luật sư LÊ NGỌC LUÂN
Hi vọng mong manh
Được tòa cho nói lời sau cùng, Sơn bất ngờ quay xuống dưới rồi quỳ sụp xuống trước mặt ba mẹ bị hại: "Xin ba mẹ tha lỗi cho con để con có thể yên lòng nhắm mắt". Chủ tọa thấy bị cáo quá xúc động liền tuyên bố vào nghị án, dù lời nói sau cùng của bị cáo còn dở dang.
"Em hãy nhìn anh mà rút kinh nghiệm. Khi anh không còn nữa thì nhớ chăm sóc gia đình thật tốt" - bị cáo nghẹn lại khi nói với em gái. Lực lượng cảnh sát bảo vệ thấy vậy liền động viên: "Tòa còn chưa tuyên án, em còn cơ hội sống, hãy bình tĩnh".
Giọng Sơn nghe lạc đi: "Em không sợ chết! Bởi em muốn được chết với người em yêu. Em chỉ sợ khi em chết đi thì hai gia đình sẽ đau lòng. Em sống đến giờ là quá đủ rồi". Rồi bị cáo quay sang nói với ba mẹ người yêu: "Khi về trại giam, con sẽ viết đơn xin thi hành án ngay. Con xin ba mẹ khi con chết cho con được chôn cùng D.".
Tòa tuyên nghị án kéo dài, hôm sau sẽ tuyên án. Lúc đó, tôi có chút hi vọng là bị cáo sẽ có cơ hội được sống. Nhưng cuối cùng tòa vẫn tuyên y án tử hình.
"Tôi xin lấy tình thương thay cho thù hận. Bởi có thù hận cũng không giải quyết được gì. Vợ chồng tôi tha thứ cho Sơn, mong Sơn thoát tội chết. Tôi tin rằng con gái tôi cũng sẽ đồng tình với quyết định của cha mẹ. Luật sư hãy cố gắng giúp Sơn..." - ba cô gái nói với tôi rồi nhanh tay lau vội dòng nước mắt chảy dài trên hai gò má.
Bao đau đớn, thù hận ông để cho gió cuốn đi. Điều còn đọng lại là sự bao dung, là tình yêu thương giữa người với người.
Có nên buộc bị cáo phải chết?
Dù hi vọng có mong manh, tôi vẫn khuyên bị cáo và cả hai gia đình nên kiên trì làm đơn gửi Chủ tịch nước xin cho bị cáo một con đường sống.
Tôi biết mạng sống con người là vô giá. Nhưng tôi băn khoăn bởi câu hỏi: có phải Sơn là người tàn ác, không thể cải tạo nên phải loại bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn hay không? Án tử hình chỉ dành cho những kẻ không biết ăn năn hối cải, không còn khả năng cải tạo.
Tôi tin rằng Sơn đã phải trả giá bằng những ngày sống trong dằn vặt. Vậy việc tuyên bị cáo phải chết trong trường hợp này liệu có quá tàn nhẫn?