TTO - Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã xem xét hồ sơ vụ ngân hàng đòi thu giữ khách sạn Bavico Nha Trang và đề xuất hướng xử lý “có lợi cho nhiều bên” tại “điểm nóng” đang có nhiều người khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Khách sạn Bavico Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Trước khi đòi thu giữ tài sản thế chấp là khách sạn Bavico Nha Trang, Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản của Ngân hàng TMCP Quân đội (Ngân hàng MB) đã ra "tối hậu thư" đòi Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Bạch Việt (Công ty Bạch Việt) phải trả toàn bộ khoản nợ hơn 456,6 tỉ đồng (gồm nợ lãi gần 21,2 tỉ đồng) cho Ngân hàng MB chi nhánh Sài Gòn.
Căn cứ để Ngân hàng MB đòi thu giữ khách sạn Bavico Nha Trang là các "Hợp đồng tín dụng dài hạn" ký kết tháng 7-2014; "Hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất" ký sau đó gần 3 năm (tháng 4-2017) và nghị quyết 42/2017 của Quốc hội "về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng" (NQ42; ngày 21-6-2017).
Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa đã cho rằng "việc Ngân hàng MB áp dụng NQ42-2017 làm căn cứ thu giữ tài sản thế chấp của Công ty Bạch Việt là chưa đủ căn cứ, vì không thuộc phạm vi điều chỉnh và không đủ các điều kiện, thủ tục.
Bởi theo Luật công chứng và các quy định về giao dịch đảm bảo, "việc thế chấp bất động sản phải được công chứng theo quy định". Thế nhưng hợp đồng thế chấp tài sản từ vốn vay giữa Ngân hàng MB và Công ty Bạch Việt chưa được công chứng.
Mặt khác, theo Sở Tư pháp, tổng các khoản nợ mà các nhà đầu tư mua căn hộ du lịch và Ngân hàng MB đang đòi ước tính khoảng 450 tỉ đồng. Còn tổng giá trị tài sản đảm bảo của Công ty Bạch Việt ước tính đến 840 tỉ đồng.
Về quy mô dự án khách sạn Bavico Nha Trang mà Ngân hàng MB nhận thế chấp, đòi thu giữ chỉ 22 tầng (gồm cả tầng lửng, tầng áp mái), 1 tầng hầm, có tổng cộng 207 phòng khách sạn xây trên khu đất quốc phòng 3.410m2 (tại số 2 Phan Bội Châu, TP Nha Trang).
Thế nhưng, sau khi thế chấp, Công ty Bạch Việt đã được Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa "đồng ý chủ trương cho phép điều chỉnh mục tiêu dự án khách sạn Bạch Việt Nha Trang theo đề nghị: khách sạn lưu trú, kinh doanh căn hộ du lịch hoặc cho thuê dài hạn và các dịch vụ phụ trợ".
Ngày 9-4-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận cho điều chỉnh dự án theo đúng chủ trương vừa nêu.
Sau đó, Công ty Bạch Việt đã xây dựng Bavico Nha Trang thành "khu tổ hợp khách sạn và căn hộ du lịch" quy mô 25 tầng, gồm 303 phòng khách sạn, căn hộ du lịch cùng nhiều công trình kinh doanh, thương mại khác và đã bán rất nhiều căn hộ du lịch cho nhiều người, kể từ năm 2015.
Do đó, để có cơ sở xử lý thỏa đáng các vấn đề tại Bavico Nha Trang, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã chuyển yêu cầu cho Ngân hàng MB, đề nghị xây dựng phương án, thống nhất cách xử lý với Công ty Bạch Việt và các nhà đầu tư căn hộ du lịch để khai tài sản tại Bavico Nha Trang.
Theo Sở Tư pháp "các bên nếu muốn tiếp tục sinh lợi, thu hồi và phát triển nguồn vốn, không có biện pháp nào tốt hơn là tiếp tục hợp tác kinh doanh, sau khi đã cơ cấu lại (tổ chức quản lý; cơ cấu nợ hợp lý…). Đó cũng là mục tiêu nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường kinh doanh, du lịch lành mạnh.
Không thể "tự xử"...
Một lãnh đạo Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa phân tích: nếu thu giữ tài sản theo thỏa thuận khác giữa hai bên thì thỏa thuận đó cũng phải công chứng, chứng thực.
Còn theo quy định pháp luật và thường được thể hiện trong các hợp đồng kinh tế, khi xảy ra tranh chấp hai bên sẽ bàn bạc, thương lượng, thống nhất cách giải quyết, không được mới đưa ra tòa.
Khi ấy, việc thu giữ tài sản phải thực hiện theo quyết định của tòa, phải tổ chức thi hành án mới được thu giữ tài sản chứ không thể "tự xử" thu giữ tài sản của người khác".