Pháp luật

Giám đốc sở 'bị cưỡng đoạt' không dự xét xử nguyên nhà báo Lê Duy Phong

TTO - Được triệu tập là người bị hại, bị nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt 200 triệu đồng nhưng ông Vũ Xuân Sáng - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Yên Bái - không có mặt khi tòa xử bị cáo Phong.

Giám đốc sở bị cưỡng đoạt không dự xét xử nguyên nhà báo Lê Duy Phong - Ảnh 1.

Ông Lê Duy Phong được đưa đến Tòa. Do báo chí bị hạn chế tác nghiệp nên phóng viên chỉ tranh thủ chụp được từ phía sau lưng bị cáo - Ảnh: DANH TRỌNG

Sáng nay 20-4, TAND TP Yên Bái đã đưa vụ án nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.

Phiên xét xử dự kiến diễn ra trong một ngày.

Bị cáo có 3 luật sư bào chữa

Thẩm phán Đỗ Thu Hương được phân công làm chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, hội đồng xét xử (HĐXX) còn có 2 vị hội thẩm nhân dân chính thức và 2 vị hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Đại diện Viện KSND TP Yên Bái thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử là kiểm sát viên Lê Thu Hằng và kiểm sát viên Hoàng Anh Huấn.

Bị cáo Phong có 3 luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Văn Kiệm, luật sư Chu Mạnh Cường và luật sư Nguyễn Sơn Hải - đều thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Giám đốc sở bị cưỡng đoạt không dự xét xử nguyên nhà báo Lê Duy Phong - Ảnh 2.

Nhà báo Lê Duy Phong trong lúc quay đầu lại nhìn người thân - Ảnh: GIANG LONG

Ông Vũ Xuân Sáng, giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Yên Bái, được xác định là bị hại của vụ án bị Phong cưỡng đoạt 200 triệu cũng có 1 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Ông Vũ Xuân Sáng được triệu tập đến tòa với tư cách là người bị hại. Tuy nhiên, tại thời điểm thư ký điểm danh, ông Sáng vẫn chưa có mặt ở tòa.

8h phiên tòa bắt đầu, chủ tọa kiểm tra căn cước những người được triệu tập, ông Sáng vẫn không có mặt, chỉ có người được ông Sáng ủy quyền tham dự phiên tòa.

Nhiều phóng viên không được dự

Mặc dù vụ án được xét xử công khai nhưng hầu hết các phóng viên, nhà báo ngồi trong phòng xử đều được mời ra ngoài. Tòa đã bố trí một phòng riêng trên tầng 2 để phóng viên theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi. 

Giám đốc sở bị cưỡng đoạt không dự xét xử nguyên nhà báo Lê Duy Phong - Ảnh 3.

Báo chí phải ngồi khu vực gần cửa tòa để tác nghiệp - Ảnh: DANH TRỌNG

Khi mời phóng viên ra khỏi phòng xử, cán bộ an ninh có giải thích phóng viên sẽ ngồi trong phòng riêng. Tuy nhiên rất nhiều phóng viên không thể lên phòng riêng này vì lực lượng làm nhiệm vụ an ninh yêu cầu phải có thẻ tác nghiệp riêng do tòa cung cấp.

Rất nhiều phóng viên đã lên Yên Bái, liên hệ, đăng ký làm thẻ với TAND TP Yên Bái từ chiều 19-4. Khi đăng ký, đại diện phiên tòa cho biết chánh án sẽ xem xét và quyết định cấp thẻ cho báo chí dự. 

Tuy nhiên sáng nay, khi báo chí đề nghị cấp thẻ thì đại diện phiên tòa giải thích do điều kiện cơ sở vật chất không đủ, phòng dành cho báo chí hẹp nên không thể bố trí đủ chỗ tác nghiệp cho báo, kể cả những phóng viên đã đăng ký trước cũng không được cấp thẻ. 

"Phòng chỉ đủ cấp thẻ cho 10-12 người nên những phóng viên đã đăng ký trước nhưng không được phát thẻ vì tòa ưu tiên danh sách từ trên xuống dưới", đại diện phòng hành chính tư pháp TAND TP Yên Bái giải thích. 

Giám đốc sở bị cưỡng đoạt không dự xét xử nguyên nhà báo Lê Duy Phong - Ảnh 4.

Phóng viên của nhiều đài truyền hình phải mang máy quay ra ngoài đường đứng vì "bó tay" không thể tác nghiệp phía trong phiên tòa - Ảnh: THÂN HOÀNG

Hầu hết các phóng viên đều phải ngồi ở khu vực gần cửa tòa án để tác nghiệp. Phóng viên của nhiều đài truyền hình phải mang máy quay phim ra ngoài đường đứng vì không thể tác nghiệp.

Từ 7h30, điện thoại di động và internet khu vực trong phiên tòa đều không sử dụng được. Phóng viên muốn gửi bài đều phải ra khu vực cách tòa 30m.

PV đã liên hệ với ông Vũ Thái Hưng, chánh án TAND TP Yên Bái, để tìm hiểu về quy định lạ lùng trên nhưng đều không được. 

Nhiều ngày trước, các phóng viên đã liên hệ bằng cách gọi và nhắn tin qua điện thoại của ông Hưng đề nghị được tạo điều kiện tác nghiệp nhưng cũng không nhận được hồi âm.

Ngày 20-4 xét xử vụ nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản Ngày 20-4 xét xử vụ nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản

TTO - Trong vụ án này, nhà báo Lê Duy Phong, nguyên Trưởng Ban bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị quy kết cưỡng đoạt của giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Yên Bái 200 triệu đồng và của một cá nhân khác 50 triệu đồng.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        402,276       379