Pháp luật

Long An sẽ phạt người tự ý đào ruộng lúa làm ao nuôi cá

TTO - Trước tình hình người dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười ào ạt đào ao nuôi cá tra giống, mới đây UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành quản lý chặt chẽ hoạt động này.

Long An sẽ phạt người tự ý đào ruộng lúa làm ao nuôi cá - Ảnh 1.

Đất lúa đang bị người dân đào ao nuôi cá tra ngày càng nhiều ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An - Ảnh: SƠN LÂM

Theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, dù bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, việc diện tích nuôi cá tăng nhanh cũng khiến tình hình nuôi cá tra gặp khó khăn: chất lượng cá bột không đảm bảo, trên 10% diện tích nuôi có các bệnh như gan thận mủ, xuất huyết, trắng gan, trắng mang… không thể điều trị.

Người nuôi cũng chưa được tập huấn kỹ thuật, xử lý môi trường chưa đảm bảo, nhất là việc đổ xả trực tiếp ra các kênh rạch sau khi thu hoạch hoặc khi bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường.

Đầu ra cá tra giống cũng không ổn định do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ và tình hình nuôi cá tra thương phẩm tại các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang.

Do đó, UBND tỉnh Long An không khuyến khích việc chuyển đổi từ trồng lúa sang đào ao nuôi cá. 

Bên cạnh tuyên truyền và khuyến cáo người dân, tỉnh cũng đưa ra phương án xử phạt vi phạm hành chính nếu người dân tự ý chuyển mục đích sang đất nuôi trồng thủy sản khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tỉnh cũng lưu ý việc rà soát lại quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, tìm các nguồn giống uy tín, chất lượng và thông tin thị trường nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, ổn định đầu ra và có giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi cá.

Hiện đa phần các ao nuôi cá tra đào từ ruộng tại Long An là tự phát. Ông Phan Nhân Duy - giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh - cho biết các ao này đều đào khá nông nên có thể chuyển đổi lại thành đất trồng lúa khi cần.

Cho rằng cần xem xét kỹ lưỡng việc xác định hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xử phạt, ông Duy nhấn mạnh biện pháp tuyên truyền để người dân liên hệ trước với cơ quan chức năng khi muốn đào ao nuôi cá tra thay vì tự ý làm việc này.

Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (đoàn Luật sư TP.HCM), việc sử dụng đất không đúng mục đích đã được quy định là hành vi nghiêm cấm tại điều 12 Luật Đất đai 2013. Điều 57 luật này cũng quy định việc chuyển đất trồng lúa sang đất nuôi trồng thủy sản phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với đất trồng lúa, trong trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, cụ thể như ở đây là chuyên sang nuôi trồng thủy sản, có thể xử phạt theo nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ban hành năm 2014.

Theo đó, phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5ha, 10-20 triệu đồng nếu diện tích chuyển đổi từ 0,5 đến dưới 3ha, và 20-30 triệu nếu diện tích từ 3ha trở lên.

Đồng thời, bên vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Dân Đồng Tháp Mười bỏ lúa, ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống Dân Đồng Tháp Mười bỏ lúa, ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống

TTO - Dọc những tuyến đường cặp kênh ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh… những cánh đồng lúa bát ngát ngày nào nay đã loang lổ bởi ao cá tra giống.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        379,742       862