TTO - Món tiền trúng số "từ trên trời rơi xuống" không giúp đổi đời mà trái lại còn khiến người sở hữu nó lạc vào một ngã rẽ khác không thua gì... ác mộng!
Có một ngày bạn may mắn trúng xổ số độc đắc, bạn ngỡ cuộc đời mình sẽ đổi thay. Nào có ai ngờ, người trúng số mà cuộc đời không "trúng số"...
Dưới đây là hai số phận trúng số độc đắc nhưng cả hai đều rơi vào bi kịch không ai lường trước.
Tiền mất, tình tan, sự nghiệp tàn
"Những năm qua, tôi và gia đình trải qua muôn vàn cay đắng về danh dự, nhân phẩm và kiệt quệ về tinh thần" - đó là những dòng khẩn cầu trong xấp hồ sơ mà ông Nguyễn T. (48 tuổi, quê Tiền Giang) gửi về Tuổi Trẻ. Những cay đắng của cuộc đời ông bắt nguồn từ sau khi ông trúng xổ số độc đắc với số tiền hơn 11 tỉ đồng.
Trước khi trúng xổ số, ông T. có cuộc sống êm ấm với công việc ổn định: trưởng công an một phường. Sau khi trúng số, ông chi một ít tiền làm từ thiện, gửi số còn lại vào ngân hàng, lấy 2,7 tỉ đồng để mua một căn nhà, cho bạn gái 1,5 tỉ đồng khi người ấy sinh cho ông một đứa con.
Ở những phiên tòa sau này, ông T. giãi bày mọi bi kịch nảy sinh từ khi người tình cũ của ông phát hiện ông có con với bạn gái mới, lại cho cô gái ấy hàng tỉ đồng. Người tình cũ nổi cơn ghen tuông, quyết tìm mọi cách để tước đoạt tất cả những gì ông đang có.
Đầu tiên, cô bắt ông viết giấy nhận nợ 800 triệu đồng, số tiền cô cho ông từ khi hai người còn yêu nhau. Cô buộc ông viết giấy bán căn nhà mới mua cho cô, buộc ông phải đưa giấy tờ nhà cho cô giữ giùm. Cô bảo việc mua bán chỉ là trên danh nghĩa để tránh việc ông sang tên căn nhà cho bạn gái mới.
Sợ mối quan hệ bất chính bị bại lộ và cũng muốn được yên ổn, ông răm rắp làm theo lời người tình cũ. Cho đến khi người tình cũ buộc ông không được nhận con, phải chấm dứt quan hệ với bạn gái thì ông không đồng ý. Cuối cùng, cô kiện ông ra tòa để đòi nợ và tranh chấp căn nhà của ông.
Ở những phiên tòa sau này, cô người tình cũ phủ nhận việc có quan hệ bất chính với ông. Cô nói giữa hai người chỉ là quan hệ bạn bè. Do tin tưởng ông nên cô cho ông vay 2,7 tỉ đồng để mua nhà. Đến khi không trả được nợ, ông T. mới viết giấy tay bán căn nhà cho cô.
"Cô ấy hoàn toàn bịa đặt. Tôi mua căn nhà từ nguồn tiền trúng xổ số độc đắc. Tôi phải viết giấy bán nhà cho cô ta chỉ vì cô ấy ép. Trong khi đó mẹ tôi thì đứng về phía cô ấy, dọa tự tử nếu không nghe theo" - ông T. trình bày ở tòa.
Hậu quả mà ông phải gánh chịu là cô người tình viết đơn tố cáo gửi đến nơi ông công tác. Ông T. phải viết đơn xin ra khỏi ngành. Ông đến ngân hàng xin xác nhận việc rút tiền trúng số độc đắc để đóng tiền mua nhà.
Trớ trêu, thay vì xác nhận ông đến rút tiền thì nhân viên ngân hàng lại ghi nhầm vào ô ông đến để gửi tiền. Chứng cứ ấy khiến tòa án các cấp ra phán quyết ông vay nợ của người tình cũ để mua nhà, đồng thời buộc ông phải trả khoản nợ 2,7 tỉ đồng. Đến khi ngân hàng có thông báo xin lỗi, đồng thời xác nhận lại thời gian đó ông đến rút tiền chứ không phải gửi tiền thì vụ tranh chấp đã xong.
"Tôi từng có công việc, có nhà, có khoản tiền lớn mà bao nhiêu người ao ước. Nhưng không ngờ bây giờ lại mất trắng tất cả. Không ngờ cuộc đời lại bị đẩy đến bước đường cùng như thế này..." - ông T. chua xót nói.
Hết tình mẹ con
Bi kịch của bà Phạm Thị Đ. (ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) có khác hơn một chút.
Ngày bà Đ. trúng vé số đặc biệt với giá trị 1,5 tỉ đồng, bà con lối xóm ai cũng mừng bởi nghĩ rằng từ nay gia đình bà sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Bà có 8 người con nhưng không ai được học hành tới nơi tới chốn. Các con bà người làm thuê, người làm công nhân, thợ mộc. Mẹ nghèo nên 3 đứa con trai bà đều phải nương nhờ nhà vợ.
Sau khi trúng số, bà Đ. đưa tất cả tiền cho cô con gái thứ 5 và bảo: "Con cầm tiền thay má sửa sang nhà cửa, mua sắm những vật dụng còn thiếu rồi chia cho các anh em mỗi người một ít gọi là lộc của má".
Do người con gái này chưa lập gia đình nên bà tin tưởng, cứ đinh ninh sẽ sống với con để nương nhờ khi về già. Thế nhưng, cô con gái không làm theo đúng ý mẹ. Căn nhà chỉ được sửa sơ sài, bà kêu con mua sắm gì cũng không được như ý. Những người con khác của bà không ai nhận được đồng nào từ tiền trúng số của mẹ.
Một năm sau, bà Đ. chết điếng khi nghe con gái nói: "Tiền trúng số của má con xài hết. Má cầm cố giấy tờ nhà để con lấy vốn làm ăn". Bà phản đối quyết liệt. Mẹ con từ đó trở nên mâu thuẫn.
Bà còn phát hiện đứa con gái đứng tên trên toàn bộ giấy tờ nhà từ khi nào mà bà không biết. Bà kêu con gái trả lại nhà đất cho má dưỡng già và chia cho các anh chị em khác. Đáp lại mong muốn của bà, đứa con gái bảo: "Má già rồi, đừng quan tâm đến chuyện tài sản. Má nên lên chùa ở tịnh tâm, ăn chay niệm phật dưỡng già".
Đến một ngày, ngân hàng gửi giấy báo đòi nợ cô con gái nhưng con thì bỏ đi biệt tăm. Nếu không trả nợ sẽ mất nhà, bà Đ. đành phải vay mượn tiền đi chuộc giấy tờ nhà về. Không còn cách nào khác, người mẹ đành phải khởi kiện chính đứa con gái của mình ra tòa đề nghị hủy giấy chứng nhận nhà đất do con gái đứng tên, đồng thời yêu cầu chia di sản thừa kế do chồng bà để lại.
Được gọi đến tòa, đứa con gái bảo: "Nhà đất là của ông bà nội để lại cho ba tôi, má tôi không có công sức gì. Trước khi ba tôi mất, má tôi còn khỏe mạnh nhưng ba không cho má mà để cho tôi đứng tên. Giờ ba qua đời, má thì già yếu. Cho nên nhà đó của tôi, tôi không trả cho ai hết".
Con gái đã vậy, mấy đứa con trai thì thỉnh thoảng nhậu về quậy má tơi bời. Bà Đ. phải gọi công an đến can thiệp mới được sống yên ổn.
Kiện tụng kéo dài
Trong 4 năm qua, vụ việc của ông T. trải qua 6 phiên tòa với 2 lần cấp giám đốc thẩm đề nghị hủy án. Hội đồng thẩm phán đề nghị tòa án các cấp cần làm rõ có hay không việc ông T. dùng tiền trúng xổ số độc đắc để mua nhà, xem lại việc nhận nợ giữa ông T. và cô người tình cũ có bị ép buộc hay không...
Những yêu cầu của cấp giám đốc thẩm đều không được các cấp tòa làm rõ. Ông T. bị tuyên buộc phải trả cho người tình cũ gần 4 tỉ đồng gồm cả gốc và lãi phát sinh. Lúc này, số tiền trúng số độc đắc cũng tiêu xài hết.
Ông T. ngược xuôi gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Cuối cùng, căn nhà của ông vẫn bị kê biên, bán đấu giá mà không đủ để thi hành án.
Vụ kiện của bà Đ. cũng kéo dài 4 năm nay, 4 lần thay đổi thẩm phán thụ lý nhưng vẫn chưa được đưa ra xét xử. Ở tuổi 70, bà Đ. vò võ một mình với bệnh loãng xương, giãn tĩnh mạch.
Bà kể lại chuyện mình nhiều day dứt: "Tôi hối hận quá! Đưa hết cho con số tiền lớn, giờ thì gia đình tan đàn xẻ nghé. Hàng xóm người ta chê cười, bảo nhà ăn ở không có phúc đức, trúng số hàng tỉ đồng mà giờ mẹ con phải đi kiện lẫn nhau".