TTO – Theo dự kiến, đại gia ngân hàng Hứa Thị Phấn và 27 đồng phạm sẽ hầu tòa vào ngày 8-5. Tuy nhiên, hiện nay bà Phấn đang bệnh nặng, tổn thương sức khỏe 93%, trong quá trình điều tra, CQĐT không thể lấy lời khai.
Bà Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh trước đó - Ảnh: TL
TAND TP.HCM cho biết sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB) vào ngày 8-5.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 31-5.
Triệu tập Phạm Công Danh và hàng trăm người đến tòa
Phiên tòa do thẩm phán Phạm Lương Toản, chánh tòa hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa. Đại diện Viện KSND TP.HCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của Viện KSND Tối cao là ông Đỗ Mạnh Bông và bà Nguyễn Quỳnh Lan.
Nguyên đơn dân sự trong vụ án được xác định là VNCB.
Đồng thời, tòa án đã triệu tập 63 cá nhân, pháp nhân tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và triệu tập 115 cá nhân tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Trong đó bị án Phạm Công Danh (đại diện toàn bộ các cá nhân góp vốn cổ phần nhóm Thiên Thanh) cũng được trích xuất tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bị án Phạm Công Danh - Ảnh: TL
Tính đến nay có 23 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Hứa Thị Phấn có 4 luật sư bào chữa gồm: luật sư Phạm Ngọc Trung, luật sư Lưu Văn Tám, luật sư Trương Thị Minh Thơ, luật sư Trương Vĩnh Thủy.
Ngoài ra, Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, cũng mời 2 luật sư bảo vệ là luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Nguyễn Huy Thiệp.
Tuy nhiên đến nay danh sách luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo này đang tăng lên.
Chỉ đạo làm trái gây thất thoát 6.300 tỉ đồng
Theo cáo trạng, đầu năm 2007, Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp Hứa Thị Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) đã mua hơn 254,7 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương 2.547 tỉ đồng, chiếm 84,92 % vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín và Hứa Thị Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín.
Hứa Thị Phấn có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.
Từ đó, Hứa Thị Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn của ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, thu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang.
Bà Phấn bị cáo buộc chỉ đạo điều hành mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu - chi tiền mặt, thực hiện và chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái phép luật gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hàng ngàn tỉ đồng.
Cụ thể, Bà Phấn đã thông qua các bị can khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỉ đồng. Cơ quan điều tra xác định số tiền này cao gấp 8 lần giá trị trường của căn nhà.
Bà Phấn còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Phấn còn bị truy tố về hành vi vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật.
Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỉ đồng.