TTO - Các công ty có quyền và nghĩa vụ liên quan cho rằng nếu Viện kiểm sát đề nghị trả lại tiền cho Công ty Housing Group, thì các cơ quan thuế, điện, nước… đã thu tiền cũng phải trả lại cho Công ty Housing Group.
Bà Châu Thị Thu Nga (bìa phải) tại phiên tòa - Ảnh: DIỆP THANH
Sáng 13-4, phiên tòa xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga (cựu đại biểu Quốc hội, nguyên chủ tịch Công ty Housinh Group) và đồng phạm lừa đảo hơn 700 người tiếp tục với phần tranh luận.
Nhiều bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là các công ty bị đề nghị trả lại tiền cho Công ty Housinh Group đã tranh luận "nảy lửa" với đại diện Viện kiểm sát (VKS).
Các công ty xây dựng không muốn trả lại tiền
Trước tòa, một bị hại khẳng định họ đến đây mong muốn được "đảm bảo quyền lợi chứ không phải đến nhận được cảm thông hay thương hại của quý tòa". Người này mong muốn dự án tiếp tục được thực hiện, nếu không đảm bảo được quyền lợi sẽ tiếp tục đi đến cùng.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Liên danh tư vấn và xây dựng cho rằng Công ty Housing Group không phải công ty lừa đảo, hợp đồng mà hai bên ký kết thực hiện là chính đáng.
"Chúng tôi chỉ lấy sản phẩm phục vụ cho dự án, tất cả các dự án đều như thế. Nếu thu lại số tiền về thiết kế, nó là hữu hình, nếu không công nhận nó chỉ là 1 mớ giấy lộn. Không thể thu lại nguồn tiền đã chi trả cho chúng tôi. Nếu thu thì chỉ thu những cái hữu hình", đại diện công ty này nói.
Đại diện một công ty khác có ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty Housing Group bị đề nghị trả lại tiền đã ví von có "một bát nước đổ đi, giờ lấy lại làm sao?".
"Nếu tôi chứng minh được nguồn tiền công ty chúng tôi nhận không phải Housing Group thu từ khách hàng thì có phải trả không?", vị này nói rồi dẫn chứng năm 2014 họ thực hiện hợp đồng, khi đó Công ty Housinh Group có tiền từ dự án ở đường Láng, bản thân bà Nga cũng vay mượn tiền của những người quen của ông ta.
Sẽ dành quyền khởi kiện dân sự cho các công ty
Trong khi đó, Công ty NHS cho rằng phải trả lại tiền là bất hợp lý, bởi nếu thu thì phải thu cả tiền nộp thuế và tiền lương, tiền điện nước… của Công ty Housing Group.
Nghe vậy, vị chủ tọa giải thích sẽ dành quyền khởi kiện vụ án dân sự khác cho các công ty. Đại diện Công ty NHS cho rằng nếu khởi kiện dân sự, công ty phải tốn kém, công việc bị ảnh hưởng, vụ án sẽ đi đến đâu.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: DIỆP THANH
Theo ghi nhận của PV, sau mỗi lần đối đáp của người có quyền lợi liên quan là các công ty, những bị hại ngồi phía dưới liên tục vỗ tay.
Tuy nhiên, theo lời đối đáp của đại diện VKS về phần dân sự, cơ quan này cho rằng tiền trả cho 36 công ty là tiền chiếm đoạt của bị hại nên phải trả lại.
"Về kiến nghị của bị hại đề nghị UBND TP Hà Nội cho tiếp tục dự án, vấn đề này chúng tôi cũng rất đồng cảm, nếu được như trên thì rất tốt nhưng về thẩm quyền tố tụng chúng tôi chỉ được xem xét quyền lợi ích của bị hại trong vụ án, còn kiến nghị tới UBND TP là cả quy trình thủ tục hành chính. Nếu kiến nghị trong bản án thì không phù hợp", đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa nói.
Trước đối đáp của đại diện VKS, đại diện Công ty Licogi 12 cho rằng VKS chưa nêu được nguồn tiền trả cho công ty là do phạm tội mà có.
"Tôi yêu cầu VKS giải quyết cho Licogi, tiền buộc Licogi phải trả thì tài sản trên đất là cọc mà Licogi đã đóng thì giải quyết thế nào? Chúng tôi có được nhận tài sản đó không? Cái này phải áp dụng cả theo luật đầu tư nữa, vậy hà cớ gì VKS yêu cầu Licogi phải trả?", nữ đại diện nói đồng thời cho rằng đề nghị của VKS đã xâm phạm tới quyền và lợi ích của Licogi.
Luật sư bảo về quyền và lợi ích cho Công ty Đông Hưng cũng không đồng ý với đề nghị của VKS.