Pháp luật

Hack email, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng

TTO - Một người đàn ông châu Phi bị bắt vì có hành vi hack email của doanh nghiệp, chiếm đoạt hơn 6.000 Euro.

Khi bị bắt, điện thoại của đối tượng này cùng những người liên quan liên tục có tin báo các khoản tiền hàng chục ngàn USD đổ vào tài khoản.

Chiều 10-4, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa bắt giữ Obiora Walter Chime (33 tuổi, quốc tịch Nigeria) để điều tra về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng internet chiếm đoạt tài sản. 

Đây là một đối tượng được xác định nằm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn, sử dụng công nghệ cao, xuyên biên giới, có tổ chức chặt chẽ và mạng lưới rộng khắp.

Hack email, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng - Ảnh 1.

Obiora Walter Chime đang làm việc với cán bộ điều tra. Ảnh: Hoài Minh

Tình, tiền đều lừa vô số

Nguồn tin cho biết, bắt đầu từ một lá đơn tố cáo của đại diện một doanh nghiệp tại Việt Nam - đơn vị được ủy quyền bởi một doanh nghiệp khác ở nước ngoài bị chiếm đoạt tiền. 

Hình thức các đối tượng chiếm đoạt tiền là các đối tượng này hack email của doanh nghiệp nước ngoài, chiếm quyền làm chủ hộp thư, sau đó gửi thư cho các đối tác trong danh sách khách hàng có quan hệ kinh doanh, đề nghị họ điều chỉnh số tài khoản để trả tiền mua hàng hóa. 

Trước khi hack email, các đối tượng đã chuẩn bị sẵn nhiều số tài khoản, đứng tên các doanh nghiệp có tên na ná như doanh nghiệp mà các đối tượng đã tìm hiểu, lên kế hoạch chiếm quyền làm chủ rồi khi chiếm được thì đề nghị khách hàng chuyển tiền vào tài khoản giả để chiếm đoạt.

Trong quá trình xác minh thông tin tới vụ việc này, các cán bộ điều tra, trinh sát của Công an TP.HCM đã xác định được manh mối liên quan tới Obiora Walter Chime. 

Tuy nhiên, hầu hết giao dịch, thông tin liên lạc và dòng chảy của các khoản tiền lừa đảo lại không do đối tượng này trực tiếp thực hiện, mà đều do các cô gái trẻ, khá ưa nhìn thực hiện.

Qua tìm hiểu, lực lượng chức năng phát hiện Obiora Walter Chime lập nhiều nick trên facebook, zalo, viber, tự quảng cáo là doanh nhân người Mỹ hoặc các nước phát triển để làm quen với các cô gái, phụ nữ Việt Nam. 

Một số cô gái ham mác doanh nhân nước ngoài, làm quen, gửi cả hình ảnh khỏa thân để "quảng cáo" và trở thành bạn gái của đối tượng này. 

Khi đã có quan hệ tình cảm, đối tượng này đề nghị các cô gái đứng tên thành lập nhiều doanh nghiệp, mở nhiều tài khoản để chuyển tiền vào và nhận, chuyển giao tiền lại, hưởng một số tiền hoa hồng nhất định.

Hack email, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng - Ảnh 2.

Obiora Walter Chime trong một lần đi cùng một cô gái tới ngân hàng rút tiền bị ghi hình. Ảnh: Công an TP.

Bị bắt, tiền vẫn chảy vào tài khoản

Nguồn tin cho biết, ngoài số tiền hơn 6.000 Euro mà đường dây này bị tố cáo, trong quá trình điều tra và sau khi bị bắt, các tài khoản ngân hàng mà nhóm này lập ra nhằm chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp vẫn liên tục có tin báo thay đổi số dư tài khoản.

Chỉ trong thời gian ngắn, các tài khoản này đã lần lượt nhận các khoản tiền: gần 5 tỷ đồng, bốn khoản ngoại tệ với tổng số tiền hơn 300 ngàn USD.

Theo ước tính sơ bộ, trong thời gian ngắn, đường dây này đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Vụ việc hiện đang tiếp tục được điều tra.

 15 doanh nghiệp, 25 tài khoản

Cũng trong quá trình xác minh thông tin từ đơn tố cáo, cơ quan điều tra phát hiện hai cô gái có liên quan tới đường dây lừa đảo xuyên quốc gia này là: T.T.N.T (29 tuổi) và N.T.N.T (33 tuổi, cùng ngụ Q.4) có nhiều biểu hiện bất thường. 

Xác minh tại một số ngân hàng và Sở kế hoạch đầu tư TP, cơ quan điều tra xác định hai cô gái này đứng tên đại diện pháp luật tổng cộng 15 doanh nghiệp, mở 25 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau.

Khi được mời làm việc, hai cô gái này khai quen biết Obiora Walter Chime, được nhờ đứng tên thành lập doanh nghiệp và mở tài khoản, nhờ thêm nhiều người khác nữa làm theo hình thức này để có thêm tiền. 

Cũng trong thời gian theo dõi, đeo bám đối tượng này, lực lượng chức năng của Công an TP đã xác định Obiora Walter Chime là người thường xuyên đưa các cô gái tới ngân hàng, chờ bên ngoài và khi nhận tiền xong thì đón các cô gái đi.

Chiều một ngày đầu tháng 4-2018, khi đã có đầy đủ chứng cứ liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật của Obiora Walter Chime, Công an TP đã thực hiện lệnh bắt đối tượng để điều tra. 

Sau khi bị bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng, Công an TP phát hiện trong máy tính và điện thoại của đối tượng có chứa phần mềm chuyên dụng, có thể dễ dàng hack các email và chiếm quyền làm chủ các email này. 

Trong điện thoại, máy tính của đối tượng cũng có rất nhiều tài khoản mạng xã hội, liên hệ với rất nhiều phụ nữ Việt Nam và các đối tượng ở nước ngoài.

Qua làm việc ban đầu, nguồn tin cho biết đối tượng này là một thành viên trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, có hoạt động ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. 

Đối tượng này chỉ là một trong chuỗi mắt xích hoạt động tại Việt Nam. Nạn nhân của đường dây này hầu hết là các doanh nghiệp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, có quan hệ kinh doanh xuyên quốc gia, thường xuyên giao dịch bằng email doanh nghiệp. 

Khi lừa khách hàng chuyển tiền vào tài khoản giả mạo xong, các đối tượng rút ra rồi lại chuyển cho các đầu mối khác, hoặc chuyển thẳng qua internet banking cho các cấp khác nhau để xóa dấu vết, rửa tiền.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,691       406