TTO - Không chỉ mất tiền, người đầu tư còn có nguy cơ bị xử lý hình sự nếu cơ quan chức năng xác định họ có hành vi tiếp tay các đối tượng cầm đầu chiếm đoạt tiền của những người đến sau hoặc dùng các đồng tiền ảo này làm phương tiện thanh toán.
Nạn nhân căng băng rôn trên phố đi bộ Nguyễn Huệ tố đường dây lừa đảo tiền ảo đa cấp - Ảnh: HUY HÙNG
Kêu gọi đầu tư vào tiền ảo nhưng thực chất là mô hình huy động tiền đa cấp với chiêu bài "lãi suất khủng", nhiều người mù quáng lao vào như con thiêu thân, giờ đứng trước viễn cảnh trắng tay.
Đâm đầu vào các giao dịch trái pháp luật
Thông tin trên báo Tuổi Trẻ về vụ "Căng băngrôn tố cáo đường dây tiền ảo đa cấp lừa 15.000 tỉ đồng"cho hay nhiều người dân vì ham "lãi suất khủng", lên đến 48%/tháng, nên đã đầu tư vào tiền ảo có tên là Ifan và Pincoin do Công ty CP M.T có trụ sở tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM huy động.
Mặc dù không biết rõ nguồn gốc thật về những đồng tiền ảo này, nhưng vì ham "lãi suất khủng", nhiều người đã rót vốn đầu tư. Số tiền mà những người này đầu tư, theo như tố cáo, lên đến 15.000 tỉ đồng. Hậu quả là họ đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền trên.
Việc Công ty CP M.T huy động vốn của người dân để đầu tư vào tiền ảo Ifan và Pincoin là giao dịch trái pháp luật. Bởi lẽ, pháp luật Việt Nam hiện hành đã nghiêm cấm việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo, bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo khác.
Cụ thể, tại khoản 6, 7 điều 4 nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung theo nghị định 80/2016/NĐ-CP) quy định về phương tiện thanh toán như sau:
"6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 điều này".
Khoản 6 điều 6 nghị định 101/2012/NĐ-CP cũng quy định những hành vi bị cấm bao gồm:
"6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp".
Với các quy định của pháp luật như đã viện dẫn, các loại tiền ảo (trong đó có bitcoin, Ifan, Pincoin, dascoin và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo nêu trên làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Do vậy, mọi giao dịch giữa Công ty CP M.T và người dân đều là giao dịch trái pháp luật.
Người chơi vừa mất tiền, vừa có thể bị xử lý hình sự
Như đã nói, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo là một hành vi trái pháp luật và bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.
Về xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 điều 27 nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150-200 triệu đồng. Với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.
Trước đây, các cơ quan tố tụng từng khởi tố, điều tra và xét xử về các hoạt động kinh doanh tiền ảo (bitcoin) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Không chỉ bitcoin, nhiều đồng tiền ảo khác cũng có xu hướng tràn vào Việt Nam, gắn với nhiều rủi ro và nguy cơ về lừa đảo tài sản, tội phạm rửa tiền... có xu hướng lan rộng.
Vì thế, Tổng cục cảnh sát Bộ Công đã từng cảnh báo người dân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Thế nhưng, bỏ qua các cảnh báo, người dân vẫn lao vào đầu tư tiền ảo.
Điều đáng nói là kể từ ngày 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Điểm h khoản 1 điều 206 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào thực hiện hành vi "phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả" gây thiệt hại cho người khác từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù đến 20 năm.
Tuy nhiên, quy định này chưa được mọi người quan tâm, tìm hiểu đầy đủ. Theo đó, quy định này không chỉ xử lý hình sự với các đối tượng đứng ra tổ chức, mà những người tham gia vào đường dây này, kêu gọi người khác tham gia, thì họ vừa là nạn nhân, nhưng cũng đồng thời là đồng phạm với đối tượng cầm đầu. Vì vậy, họ hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự, chứ không đơn thuần là nạn nhân.
Trở lại vụ việc người dân tố cáo Công ty CP M.T lừa đảo 15.000 tỉ đồng, cơ quan chức năng của TP.HCM hoàn toàn có đủ cơ sở để khởi tố vụ án để điều tra. Tùy theo tính chất của vụ việc mà cơ quan chức năng xem xét khởi tố những đối tượng cầm đầu vụ việc này về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 hoặc tội"vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"theo điều 206 Bộ luật hình sự 2015
Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo với loại hình đầu tư tiền ảo. Đừng vì những lời cam kết "có cánh" với lãi suất cao mà tự đẩy mình vào chỗ trắng tay và đối diện với nguy cơ lao lý.