Pháp luật

Điều tra việc lập hồ sơ giả vận chuyển cây đa 'siêu khủng'

Theo ông Đỗ Quang Tùng, quyền cục trưởng Cục kiểm lâm cho biết hồ sơ nguồn gốc của 1 trong 3 cây "siêu khủng" đang bị tạm giữ tại Huế bị làm giả...

Điều tra việc lập hồ sơ giả vận chuyển cây đa siêu khủng - Ảnh 1.

Cây đa "siêu khủng" bứng từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng (thôn 3, xã Ea Pil,M'Đrắk) được xác định có nguồn gốc hợp pháp - Ảnh: TRUNG TÂN

Ông Đỗ Quang Tùng cho biết Cục Kiểm lâm đã nhận được báo cáo về nguồn gốc của ba cây đa sộp "siêu khủng" đang bị tạm giữ nhiều ngày qua. Ba cây gỗ nêu trên đều có cùng chủ sở hữu là ông Kiều Đình Chương, 32 tuổi, ngụ xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 

"Ngày 4-4, sau khi chủ của ba cây gỗ nêu trên đưa bộ hồ sơ gốc về nguồn gốc, xuất xứ của ba cây gỗ này, Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk xác minh" - ông Tùng nói.

Theo xác minh của Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, ba cây "siêu khủng" trên ba xe đầu kéo đang bị tạm giữ ở Huế lại ở ba địa phương khác nhau là Krông Năng, Krông Ana và M’Đrắk. 

Cụ thể, một cây đa sộp được khai thác vận chuyển từ đất của gia đình ông Phạm Đình Thướng (thôn 3, xã Ea Pil, M’Đrắk) được vận chuyển đi ngày 21-3 đúng quy định.

Cây đa sộp thứ hai có nguồn gốc trên đất nông nghiệp của ông Y Nô Byă tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Cây đã lập các thủ tục xin khai thác, vận chuyển khỏi địa bàn ngày 22-3 theo đúng quy định về khai thác cây cảnh, cây bóng mát.

Điều tra việc lập hồ sơ giả vận chuyển cây đa siêu khủng - Ảnh 2.

Một cây đa sộp khác, khai thác tại đất gia đình ông Nguyễn Ngọc Chung (thôn Tam Hòa, xã Tam Giang, Krông Năng) được ghi nhận "đi đến nơi, về đến chốn", tức lọt rất nhiều trạm CSGT nhưng không bị phát hiện - Ảnh: TRUNG TÂN

Cây đa thứ ha, theo hồ sơ, được khai thác và vận chuyển từ nhà bà H’Yô Na Byă (34 tuổi, trú thôn 4, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) vào ngày 23-3. Tuy nhiên, làm việc với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, bà H’Yô Na Byă khẳng định không hề bán cây đa sộp nào cho bất cứ ai vì đất nông nghiệp của gia đình không có cây này.

Còn bà H’Phi La Niê, phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ, người ký tên, đóng dấu vào các đơn xin khai thác, vận chuyển cây đa này nói "không ký xác nhận cho khai thác, vận chuyển cây đa sộp nào thời gian trên". 

Giải thích về việc có ký tên trong bộ hồ sơ, bà H’Phi La Niê cho biết mỗi ngày phải ký xác nhận rất nhiều cho người dân nên nhiều lúc không đọc hết nội dung và do một phần chủ quan của bản thân nên đã ký đơn này.

"Như vậy, hồ sơ nguồn gốc lâm sản cây đa sộp tại gia đình bà H’Yô Na Byă (xã Ea Hồ,Krông Năng) đang bị tạm giữ tại Huế là không đúng thực tế. Cục Kiểm lâm đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk điều tra, xác minh tại nguồn gốc lâm sản đối với cây đa nêu trên" - ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, sau khi xác định được nguồn gốc hai cây đa tại Krông Ana, M’Đrắk, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế sẽ để cho xe đầu kéo chở đi. 

Riêng cây đa sộp khai báo có nguồn gốc tại huyện Krông Năng nhưng xác minh không đúng thực tế, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế vẫn tạm giữ và Cục yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk kiểm tra, xác minh thêm.

"Ngoài kiểm tra nguồn gốc thực tế đối với cây đa sộp còn lại thì phải xác minh việc lập hồ sơ giả, trách nhiệm của những ai, việc lập khống như thế nào. Việc xác minh làm giả hồ sơ lâm sản này không chỉ có ngành kiểm lâm mà còn thuộc về ngành công an, địa phương" - ông Tùng thông tin.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ Công an, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải kiểm tra, xác minh nguồn gốc và có hay không việc bao che giúp các cây này được chở trót lọt qua nhiều tỉnh thành để xử lý nghiêm và báo cáo thủ tướng trước ngày 15-4.

3 cây siêu khủng 3 cây siêu khủng': hồ sơ đủ nhưng chưa rõ nguồn

TTO - Chi cục kiểm lâm Thừa Thiên - Huế kết luận ba cây “siêu khủng” có hồ sơ đầy đủ, tuy nhiên phải tiếp tục tạm giữ cây để chờ làm việc với Chi cục kiểm lâm Đăk Lăk nhằm xác minh nguồn gốc.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        379,988       319