Pháp luật

Kỷ luật học trò 'quá tay' dễ thành phạm luật

TTO - Những biện pháp răn đe kỷ luật học trò để cac em xấu hổ, bớt tinh nghịch nếu không được kiểm soát, dẫn đến "quá tay" rất dễ đặt giáo viên vào tình huống vi phạm phát luật, nhất là pháp luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Kỷ luật học trò quá tay dễ thành phạm luật - Ảnh 1.

Trường tiểu học nơi xảy ra việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Vụ cô giáo ở Long An phạt quỳ cả lớp vừa lắng xuống thì lại đến vụ một cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. 

Cả hai cô giáo đều đã phải nhận những "mức án" từ dư luận cộng đồng và những hình thức kỷ luật hành chính từ cơ quan quản lý giáo dục.

Sau những cảm giác bức xúc, bất bình, nhiều người còn đặt câu hỏi về trách nhiệm pháp lý mà các cô giáo ấy phải đối mặt, bởi những biện pháp kỷ luật học trò trong nhà trường được áp dụng đã vượt quá lằn ranh của mục đích giáo dục thông thường.

Có dấu hiệu tội hình sự?

Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương ở TP.Hải Phòng bắt học sinh Ph. Ph. A. uống nước bẩn trước mặt cả lớp để bé này xấu hổ, không tiếp tục nói chuyện trong giờ học có dấu hiệu hành vi làm nhục người khác.

Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu mục đích của cô giáo là để phạt, để dạy chứ không phải là làm nhục cá nhân gì khác. Bên cạnh đó, cháu bé tuy sợ hãi nhưng vẫn đi học bình thường, theo tôi chưa có ảnh hưởng nghiêm trọng về thể chất, tinh thần thì chưa đến mức phải xử lý hình sự.

Kỷ luật học trò quá tay dễ thành phạm luật - Ảnh 2.

Cô giáo phạt học trò uống nước giẻ lau bảng đã bị chấm dứt hợp đồng - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trường hợp nước giẻ lau bảng mất vệ sinh, độc hại đến mức gây ngộ độc, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của học sinh thì hành vi của cô giáo có thể không phải làm nhục người khác mà phạm vào tội cố ý gây tổn hại sức khỏe người khác hoặc tội hành hạ người khác.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cũng cho rằng hành vi của cô giáo có dấu hiệu của tội hành hạ người khác.

Theo luật sư Ngọc Nữ, mặt khách quan của tội hành hạ người khác là người phạm tội có hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình. Đối xử tàn ác, được hiểu là gây ra sự đau đớn về thể xác, tinh thần đối với nạn nhân. 

Tuy nhiên, việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ. Một điểm khác cần chú ý là việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội về quan hệ xã hội, công tác hoặc về tôn giáo. Trong đó, giữa thầy cô giáo và học sinh là lệ thuộc về quan hệ xã hội.

Trong trường hợp này, hậu quả khó lường trước được vì chưa đánh giá được nước phấn độc hại như thế nào và sẽ ảnh hưởng đến cơ thể cháu bé ra sao, ảnh hưởng lâu dài hay tức thời.

Hãy dành điều tốt đẹp nhất cho trẻ em

Theo luật sư Ngọc Nữ, trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm dễ bị sang chấn tâm lý. Hành vi của cô giáo có thể làm cho các em xấu hổ với bạn bè, mặc cảm, tự ti, có thể ám ảnh suốt cuộc đời, thậm chí khiến cho nhiều trẻ tự kỷ, ngại đến trường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ… Những điều này rất khó chứng minh.

Có rất nhiều phương pháp dạy để trẻ tiếp thu, tuy nhiên không nên dùng hình phạt đối với trẻ. Ví dụ khi trẻ nói chuyện trong giờ học, cô giáo có thể nhắc nhở hoặc gõ mạnh thước để tạo ra âm thanh nhắc nhở trẻ.

"Tuy nhiên, hầu hết những sự việc như trên xảy ra vì giáo viên quá nóng giận. Theo tôi, khi nóng giận giáo viên nên bước ra ngoài một lát, chỉ cần bước ra ngoài thì cơn bực tức sẽ qua đi, lúc trở lại bục giảng giáo viên đã lấy lại bình tĩnh, bớt bực dọc thì hành xử sẽ đúng mực hơn và sẽ không làm tổn thương các em" - luật sư Ngọc Nữ gợi ý.

Tương tự, luật sư Hà Ngọc Tuyền cũng cho rằng giáo dục bằng bạo lực là sai trái, vi phạm luật trẻ em. Nhà trường cần tạo ra một nội quy kỷ luật đối với học sinh, mức độ kỷ luật học sinh có sự thống nhất phối hợp giữa nhà trường và gia đình.

Bên cạnh đó, gia đình học sinh cũng không thể phó thác toàn bộ việc giáo dục cho nhà trường và cần giáo dục luật trẻ em vào nhà trường để cả thầy cô và cả phụ huynh đều phải nắm được luật này.

Làm sao để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"!

Theo tôi, hành vi phạt học sinh bằng hình thức phạt quỳ hay bắt uống nước giẻ lau bảng là không thể chấp nhận được. Hiện nay, ngành giáo dục đang hướng tới môi trường thân thiện "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Mọi giáo viên khi đứng lớp đều mong muốn thực hiện điều này, tuy nhiên trong quá trình giảng dạy còn nhiều điều nan giải như chúng ta chưa thống nhất được cách giáo dục trẻ giữa xã hội, nhà trường và gia đình. Nhiều người ở nhà, nếu con không nghe lời thì phạt roi, nhưng trên lớp giáo viên phạt trẻ một roi cũng không được.

Bên cạnh đó trong quá trình dạy, mỗi giáo viên sẽ có nhiều cách khác nhau nhưng giáo viên phải sát sao với học trò, dạy bằng tâm huyết và yêu thương, quan tâm đến trẻ bằng cái tâm của nghề giáo.

Tôi thường tham khảo thêm cách dạy và học của các nước tiên tiến, ví dụ tôi thường để trong lớp một chiếc ghế nhỏ nếu học trò nghịch quá, không nghe lời thì mình có thể gọi em đó lên bàn trên ngồi, như vậy vẫn có thể nghe giảng hoặc gặp riêng để nhắc nhở hoặc đối với những học sinh lớn hơn một chút có thể cho các em viết bản tự nhận xét, đánh giá về mình cũng có hiệu quả. Tuy nhiên, tuyệt đối không được xúc phạm, đánh học trò.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng phải trao đổi thường xuyên để phụ huynh cùng giáo dục con.

Một giáo viên công tác tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai

Phạt học sinh, phạt đến giới hạn nào? Phạt học sinh, phạt đến giới hạn nào?

TTO - Bình tâm lại, nhiều người đặt câu hỏi việc phạt của giáo viên đã đúng hay chưa và giới hạn nào cho việc phạt học trò?

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        397,831       640