TTO - Các luật sư cùng cho rằng dù lỗi xuất phát từ người đốt đồng nhưng tai nạn có thể tránh được nếu lái xe chọn giải pháp an toàn và ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.
Vụ tai nạn làm nhiều người bị thương và nhiều ôtô bị hư hỏng nặng - Ảnh: T.L.
Vụ tông xe liên hoàn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khiến nhiều người bị thương, nhiều ôtô hư hỏng nặng chiều 3-4 được xác định nguyên nhân khởi nguồn từ khói đốt đồng tràn qua đường cao tốc khiến tài xế bị hạn chế tầm nhìn dẫn đến tai nạn.
Đốt đồng bên đường cao tốc có thể phạm luật
Theo thông tin ban đầu, tai nạn này xảy ra do việc người dân đốt đồng bên ngoài hành lang an toàn giao thông đường cao tốc, tạo nên đám khói lớn.
Khói theo gió tạt vào đường cao tốc làm ảnh hưởng tới tầm nhìn của các tài xế chạy trên cả 2 hướng qua khu vực trên.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành động đốt đồng tạo nên khói mù mịt của người dân là hành vi vi phạm pháp luật về PCCC.
Tuy nhiên, để xem xét toàn diện nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông liên hoàn trên đường cao tốc thì phải điều tra để làm rõ.
Cụ thể là khi điều khiển xe, các lái xe có giữ khoảng cách an toàn hay không, vì nguyên nhân gây ra tai nạn có thể có lỗi hỗn hợp từ nhiều phía.
Trong đó nguyên nhân xuất phát từ việc đốt đồng có thể là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả này.
Phải căn cứ vào đánh giá, kết luận của cơ quan chức năng mới có thể xem xét vấn đề xử lý trách nhiệm.
Nên dừng xe khi thấy khói mù mịt
Có mặt trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, luật sư Phạm Tấn Thuấn và luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết khi xe của ông đi qua hiện trường lúc 16h40 đã thấy nhiều xe cứu thương đang đưa các nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Lúc này kẹt xe kéo dài nhưng khói không còn nhiều.
Đám khói dễ dàng nhìn thấy từ xa, nếu tài xế chủ động dừng xe thì tai nạn đã không xảy ra - Ảnh: T.L
Phân tích trường hợp trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn cho rằng một phần lỗi do người lái xe không xử lý kịp thời khi tham gia giao thông.
Vì khi đi đến đoạn đường có mây mù hoặc khói hạn chế tầm nhìn thì lái xe phải có tín hiệu khẩn cấp, sau đó tấp vào lề đường.
Luật sư Tuấn cho rằng lỗi trong trường hợp này thuộc về người lái xe nên họ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Cùng quan điểm với luật sư Tuấn, luật sư Phạm Tấn Thuấn cho rằng khói không phải là sự kiện bất khả kháng, không phải sự kiện bất ngờ, vì vậy ai gây ra tai nạn thì người đó chịu trách nhiệm.
Chủ đầu tư BOT cũng phải chịu trách nhiệm
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng những trường hợp như thế này là lỗi hỗn hợp từ nhiều phía.
Người dân đốt đồng có lỗi là tạo ra đám cháy gây khói đến mức mất kiểm soát và dưới tác động của gió làm cho khói mù uy hiếp an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Người điều khiển phương tiện giao thông cũng có lỗi vì có thể phát hiện khói từ xa nhưng không chọn giải pháp báo hiệu cho các phương tiện phía sau và dừng khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Và trong trường hợp để khói mù mịt hạn chế tầm nhìn của người lái xe mà ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây không có biện pháp ngay lập tức cảnh báo, ngăn chặn dẫn đến người điều khiển phương tiện gặp tình huống bất trắc như kể trên cũng có lỗi.
Vì thế, theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, cả ba chủ thể trên phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại mà mình gây ra.
Nếu ban quản lý đường cao tốc cảnh báo, ngăn chặn kịp thời thì có thể đã không xảy ra tai nạn - Ảnh: TL
Tương tự, luật sư Thuấn cũng cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của Ban quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vì đây là tuyến đường BOT, có thu phí nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm đảm bảo điều kiện lưu thông. Tuy nhiên, ở đây, trong phạm vi quản lý của mình nhưng ban quản lý đã để sự cố xảy ra.
Ngoài ra, mặc dù tình trạng xe lưu thông đông đúc, khó khăn khi di chuyển thường xuyên xảy ra nhưng cửa vào BOT vẫn mở để thu phí dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, các xe không đảm bảo khoảng cách an toàn.