Pháp luật

9 bị cáo vụ Navibank kháng cáo kêu oan

TTO - Sau 15 ngày kể từ khi TAND TP.HCM tuyên án đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), cả 10 bị cáo trong vụ án đều kháng cáo.

9 bị cáo vụ Navibank kháng cáo kêu oan - Ảnh 1.

10 bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: TUYẾT MAI

Trong đó, 9 bị cáo kháng cáo kêu oan và 1 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 

9 bị cáo kháng cáo kêu oan gồm: Lê Quang Trí (Nguyên Tổng giám đốc), Đoàn Đăng Luật (Nguyên trưởng phòng nguồn vốn), Nguyễn Giang Nam (Nguyên phó tổng giám đốc), Huỳnh Vĩnh Phát (Nguyên trưởng phòng kế toán), Trần Thanh Bình (Nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp), Cao Kim Sơn Cương (Nguyên phó tổng giám đốc), Nguyễn Hồng Sơn (Nguyên Phó tổng giám đốc), Đinh Thị Đoan Trang (Nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng), Phạm Thị Thu Hiền (Nguyên trưởng phòng pháp chế).

Trong đơn kháng cáo, các bị cáo này cho rằng hành vi của mình không vi phạm thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất trần vì thông tư này chỉ điều chỉnh người huy động vốn, không vi phạm quyết định 1627 của Ngân hàng Nhà nước, không vi phạm điều 94 Luật các tổ chức tín dụng. Hành vi của các bị cáo tuy có sai nhưng không gây ra hậu quả...

Chỉ có bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh (Nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro) thừa nhận tội danh nhưng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, ngày 19-3,  TAND TP.HCM đã tuyên án từ 7 đến 13 năm tù đối với 10 bị cáo trên về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Navibank.

Theo nội dung vụ án, để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huyền Như đã lấy danh nghĩa huy động tiền gửi cho Vietinbank, trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của các đơn vị về việc nhận tiền gửi của các đơn vị này với lãi suất ưu đãi.

Đồng thời, Huyền Như hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới (tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng, môi giới do cá nhân Như trả) nên nhiều cá nhân, tổ chức (trong đó có lãnh đạo Navibank) tin tưởng giao tiền cho Như.

Sau khi các đơn vị, cá nhân chuyển tiền vào tài khoản thanh toán mở tại Vietinbank, Như đã lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, chuyển tiền đi trả nợ cá nhân.

Các bị cáo nguyên là cán bộ Navibank đã chỉ đạo, thực hiện chủ trương trái pháp luật, để Navibank chi tiền cho các nhân viên ngân hàng này đứng tên gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao ngoài hợp đồng. Kết quả là số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        398,657       473