TTO - Văn hóa truyền thống của người Việt là đặt bếp sau nhà. Bếp trong các căn hộ chung cư hiện đại có thể đặt liền với sảnh phòng khách, ngay cửa ra vào, chắn luôn đường thoát hiểm.
Công nhân làm vệ sinh bên ngoài chung cư Carina, quận 8, TP.HCM sau vụ cháy - Ảnh: XUÂN HƯNG
Như đã đề cập ở bài trước, nguy cơ cháy nhà thường xảy ra một cách ít ai ngờ ở những vật dụng tưởng chừng như vô thưởng vô phạt. Với hàng trăm món đồ trong nhà và lại được tổ hợp một cách ngẫu nhiên, nguy cơ bà hỏa viếng thăm quả là đáng gờm.
Hơn thế nữa, một tòa chung cư không đơn thuần là phép cộng của hàng chục, hàng trăm ngôi nhà; chúng phức tạp nhiều hơn thế: mỗi gia đình sẽ có văn hóa ở khác nhau, do vậy việc "ứng xử" với đồ đạc và thiết bị cũng khác nhau.
Cũng chính vì nguyên nhân trên cùng với sự phức tạp của hệ thống kỹ thuật, việc thiết kế, xây dựng và vận hành một tòa chung cư chưa bao giờ là việc đơn giản ngay cả đối với những nước tiên tiến.
Từ cái bếp...
Sự phát triển nhà chung cư ở các đô thị lớn là một xu hướng tất yếu. Người dân chọn sống ở nhà chung cư trước hết là ở sự giản tiện, dễ di chuyển đến nơi làm việc trong nội thành và có lực lượng bảo vệ túc trực đỡ lo canh cửa...
Tuy nhiên, khi chọn nhà chung cư, ít người để ý đến những "mặt trái" về tập quán sinh sống cũng như những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự an toàn khi xảy ra hỏa hoạn từ khâu thiết kế của công trình.
Ngoài việc tách biệt khu vực để xe với khu căn hộ, các chung cư ở Singapore bắt buộc phải sử dụng vật liệu chống cháy bên ngoài - Ảnh: LÊ NAM
Chẳng hạn, ở phương Tây việc nấu thức ăn đã được đóng hộp hoặc qua sơ chế cùng với việc tiết kiệm năng lượng vào mùa đông đã làm cho khu vực bếp thu nhỏ đến mức tối đa và được đặt ngay lối ra vào của căn hộ.
Điều này ngược lại với văn hóa nấu nướng của chúng ta là ít ăn đồ hộp và thường mua đồ tươi về nhà và chế biến trong bếp. Từ việc lặt rau, làm cá, xắt thịt (chưa qua sơ chế) đã làm căn bếp tăng diện tích, bừa bộn và bốc mùi.
Thật bất tiện khi lại đặt bếp ngay lối ra vào duy nhất của một căn hộ. Nhưng gần 100% căn hộ được gọi là cao cấp ở ta đã và đang được thiết kế kiểu này. Chắc chắn "dây chuyền làm bếp truyền thống" theo thói quen của người dân mới được di cư từ mặt đất lên tầng cao sẽ gây bất tiện cho các sinh hoạt khác thường ngày.
Thử nghĩ mà xem, một vị khách chẳng kể thân sơ đến chơi thoáng nhìn qua đống cuống rau, đầu cá bừa bộn và không gian nực nồng các thể loại mắm kho, mắm chưng cũng có thể biết chủ nhân hôm nay ăn món gì. Trong khi với tập quán người Việt, những chuyện bếp núc thế này thường phải được giấu kỹ phía sau nhà.
Nhưng sự xung đột văn hóa trên chẳng là gì so với những nguy cơ về mặt an toàn của cư dân. Nếu để ý sẽ thấy hầu hết các bếp đều được thiết kế nằm liền kề cửa ra vào căn hộ và hướng ra hành lang, sảnh chung tạo nên một "lõi năng lượng" của tòa nhà.
Khu vực hành lang, sảnh chung này là lối dẫn tới thang máy, cầu thang thoát hiểm. Khi có sự cố, "lõi năng lượng" này dễ lây lan thông qua hệ thống chất đốt dùng để nấu nướng. Và trong trường hợp này, thang thoát hiểm là đối tượng đầu tiên bị nung nóng. Đây là việc tối kỵ khi ống thoát hiểm theo phương đứng không sử dụng được.
Chưa kể, do hệ thống bếp bao xung quanh sảnh, cho nên hệ thống hộp gen kỹ thuật (trong đó có điện và báo cháy) cũng "quần tụ" tại khu vực này thay vì phân tán. Khi có sự cố, chúng dễ bị tổn thương và tổn thương hàng loạt.
Chỉ lấy ví dụ về cách sắp xếp khu vực bếp trong căn hộ thôi, đã cho thấy một nguy cơ lớn về cháy đã xuất hiện khi áp dụng các thiết kế tiên tiến trong điều kiện VN. Và gần 100% khu vực bếp được bố trí như vậy trên thực tế đã cho thấy tầm nhìn yếu kém của người làm nghề thiết kế chung cư.
... tới "ống khói" giếng trời!
Do bài toán kinh tế mà hiện nay các chủ đầu tư có khuynh hướng "chất" càng nhiều căn hộ càng tốt lên một tầng. Thế nên có nhiều phòng không có ánh sáng tự nhiên. Giải pháp thông thường nhất là "chen" vào giữa chúng một cái giếng trời.
Điều này nhìn trên mặt bằng có vẻ ổn thỏa vì chúng có vẻ khá rộng đối với kích thước của một căn hộ. Nhưng khi thực tế thì chúng không được như thế, giếng trời biến thành một cái giếng hun hút có độ sâu đến vài chục tầng. Lúc này với chiều rộng 10m đi chăng nữa, cũng chẳng thấm thía gì với độ sâu vài trăm mét. Và chúng biến thành một giếng trời theo đúng nghĩa đen!
Tất nhiên cái giếng này biến thành một ống khói khi có cháy. Điều này đồng nghĩa với việc ngoài các phòng quây quanh chúng là những họng xả khí độc cho các tầng, mà các giếng trời này còn là những ống bễ khổng lồ đủ để cung cấp không khí cho sự cháy.
Với 40 tầng, tức khoảng 120m, đây là những ống khói lò cao thực sự. Những ai từng đun lò củi có ống khói cao 4m sẽ hình dung ra tốc độ cháy của một đám lửa có ống khói cao gấp 30 lần so với một đám cháy lộ thiên trên mặt đất! Còn không, hãy hỏi bất cứ người lính cứu hỏa nào về tiếng rít điên cuồng của gió khi đi vào những "ống khói" này.
Và những chung cư cao cấp đâu phải chỉ có 40 tầng?! Tất nhiên, những block khổng lồ này không chỉ có một cái ống khói như vậy. Tư duy giản đơn của nhà phố tỏ ra nguy hiểm cho chung cư, ít ra là về chuyện giếng trời. Nhưng hình như người thiết kế chưa được trang bị những kiến thức như thế, cả trong trường học lẫn thực tế!
Chưa hết, trong các chung cư phức hợp vừa ở, vừa làm việc, vừa thương mại việc phân khu hiện nay chỉ đơn thuần là phân khu theo công năng; việc phân vùng theo mức độ tổn thương về cháy nổ hoàn toàn chưa thấy đề cập.
Trên thực tế, một tầng hầm chứa đầy xe máy có nguy cơ cháy nổ cao hơn hẳn với khu siêu thị. Và khu siêu thì nguy cơ cháy nổ cao hơn căn hộ và văn phòng. Tất nhiên chúng phải được thiết kế khu biệt và khác hẳn về cấp chống cháy. Và vị trí của chúng phải được thiết kế để dễ phát hiện và dập lửa.
Như tôi đã nói từ đầu, sự phát triển của nhà chung cư ở các đô thị lớn là một xu hướng tất yếu. Vấn đề còn lại là người thiết kế chung cư đừng quên yếu tố đảm bảo an toàn cho người sử dụng và người dân chọn mua chung cư cũng đừng ngại mang tiếng lo xa khi đòi hỏi từ nhà đầu tư một sản phẩm không có những "tác dụng phụ" tạo điều kiện cho bà Hỏa thừa cơ gây chuyện!