Pháp luật

Nguy cơ hỏa hoạn từ những thứ 'vớ vẩn'

TTO - Từ vụ cháy chung cư Carina ở quận 8, TP.HCM làm 13 người thiệt mạng và gần 100 người nhập viện, kiến trúc sư Hà Nhật Tân gửi tới Tuổi Trẻ Online bài viết cảnh báo nguy cơ hỏa họạn có thể đến từ những thứ không ngờ quanh mình...

Nguy cơ hỏa hoạn từ những thứ vớ vẩn - Ảnh 1.

Cảnh sát điều tra xác định vụ cháy chung cư Carina khởi phát do sự cố điện từ trong một chiếc xe máy đậu ở tầng hầm - Ảnh: LÊ PHAN

Mọi vụ hỏa hoạn đều bắt đầu từ... lửa. Chắc chắn là như thế rồi. Nhưng lửa có từ đâu? Xin thưa, không chỉ từ bếp lò, cái hộp quẹt, mối dây điện bị hở mà nguy cơ hỏa hoạn có thể từ bất cứ thứ gì thường ngày ta cho nó là "vớ vẩn".

Những "thủ phạm" không ngờ

Bạn sẽ không thể tin rằng cớ sự của một vụ cháy nhà có thể đến từ một... chiếc dép. 

Nhưng hãy tưởng tượng điều gì xảy ra nếu một đứa trẻ nghịch ngợm ném chiếc dép vào  một chiếc máy phát điện dự phòng hay một thiết bị quay nào đó rồi chạy đi chơi. Hoặc ai đó trong nhà ném bỏ mẩu thuốc lá đang cháy mà không chú ý là nó lại "hạ cánh" đúng ngay một chiếc dép!

Và nguy cơ gây cháy ngoài ý muốn sẽ gia tăng nhiều lần với những vật dẫn điện như ổ sạc điện thoại, một cục pin vứt đi, hay một cái muỗng kim loại... mà mô tình bạn vứt bừa, vứt bạ đâu đó rồi quên. 

Nghe có vẻ buồn cười với những nguyên nhân hết sức "tào lao" nói trên. Nhưng nhiều vụ cháy lại bắt nguồn từ những thứ vớ vẩn đó. 

Người viết vẫn nhớ đã đọc được câu chuyện về một vụ cháy phòng thí nghiệm mà "thủ phạm" là một trong những chiếc bình thí nghiệm. Chiếc bình cầu chứa chất lỏng vô tình để gần cửa sổ đã hội tụ ánh sáng mặt trời lên chiếc khăn trải bàn. Chỉ có thế đã quá đủ cho một vụ cháy kinh hoàng. 

Nếu trong căn hộ của bạn cũng có một chiếc bình thủy tinh hình cầu nuôi cá cảnh chứa đầy nước thì hãy chú ý đừng đặt nó quá gần cửa sổ, nơi ánh nắng gắt có thể chiếu vào!

Và nếu có một cuốn sách liệt kê những nguyên nhân vớ vẩn nhất để hình thành một vụ cháy, tôi tin chúng sẽ rất dày, đủ gây nản lòng cho người đọc. Vì sao? Vì nguy cơ cháy có thể đến từ bất cứ vật dụng nào đó với một cách ít ngờ nhất. Và với hàng trăm món đồ được tổ hợp theo hàng ngàn cách vô tình của loài người, sẽ hình thành nên một con số khủng khiếp về nguy cơ cháy trong một căn nhà. 

Phải có trách nhiệm với chính mình, vì mọi người!

Cần nhớ rằng, sự cố thảm khốc nhất trong lịch sử hàng không vũ trụ xảy ra với tàu con thoi của Mỹ năm 1986 cũng chỉ xuất phát từ chiếc vòng đệm cao su của tên lửa đẩy, mặc dù hàng vạn linh kiện khác có hệ số an toàn vô cùng khắt khe. 

Với một chung cư thì sao? Chúng là hàng trăm "căn nhà" được chồng lên nhau theo cách san sát nhất có thể. Và mỗi căn nhà này lại có cách ứng xử với đồ vật và thiết bị khác nhau, thì việc kiểm soát chúng là một vấn đề không đơn giản. 

Nguy cơ hỏa hoạn từ những thứ vớ vẩn - Ảnh 2.

Một mẩu thuốc lá ai đó ném từ tầng trên xuống ban công một căn hộ ở khu chung cư cao cấp phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM - Ảnh: TL

 Thật tiếc khi cả một chung cư phải chạy nháo nhào thậm chí nhảy lầu vì một nồi cá kho của ai đó bị khét và bắt lửa. Hay các gia đình phải "chịu trách nhiệm" hay trả giá cho vụ đốt nhang bàn ông địa của một gia đình nào đó. Tất nhiên, các nguy cơ này, về mặt bản chất là do hành động của con người tạo ra mà thôi. 

 Và một sự thật đáng buồn là, chúng ta vẫn chưa có thói quen chịu trách nhiệm cho những hành động của chính mình. Chắc không cần phải lấy ví dụ cho luận điểm này khi chứng kiến cách hành xử hàng ngày của người dân. Chừng nào xã hội vẫn nhan nhản con người vô tư vừa vuốt điện thoại vừa lái xe, hay xả rác, chen lấn, hút thuốc nơi công cộng, v.v... thì xã hội đó vẫn là một xã hội vô trách nhiệm. 

Mà vô trách nhiệm thì làm sao sống chung với nhau trên những toà nhà mang tên là "chung cư" được! Một cá nhân bằng trách nhiệm của mình mới có thể kiểm soát tốt hành động của chính mình, từ đó mới có thể giảm thiểu những hành động có hại nói chung và giảm thiểu các nguy cơ gây ra cháy, nổ nói chung được.

Ở chung cư, nơi chung sống nhiều gia đình vô trách nhiệm, thì thật là lạ lùng khi đề cập đến "kiểm soát nguy cơ cháy". Hôm nay, ngay bây giờ, khi người viết đang viết những dòng này thì đâu đó có những chiếc thang máy được các bà mẹ bỉm sữa trưng dụng làm chỗ đút cơm cho con, hoặc các cô người làm bấm cho chạy lên chạy xuống để dỗ con nít. Và các anh bảo vệ vô tư phì phèo thuốc lá ở bãi xe tầng hầm, hay kê cục gạch vào cửa thoát hiểm để gió vào "cho mát". 

 Sống trong chung cư là một xu thế tất yếu, không muốn cũng không được của một xã hội hiện đại. Nhưng chúng ta vẫn chưa có "văn hoá chung cư". Mà sẽ không xây dựng được khi người ta không có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Đây là cái gốc, khoan hãy đổ thừa cho xã hội nhiễu nhương. Vì chẳng xã hội nào, bộ máy nào không do con người vận hành cả!

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        399,262       119