TTO - Chủ quán karaoke Nguyễn Diệu Linh tự ý đưa cơ sở vào hoạt động khi đang sửa chữa, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, hậu quả là gây cháy làm 13 người chết.
Ba bị cáo cúi gằm mặt khi nghe đại diện gia đình các nạn nhân trình bày tại tòa - Ảnh: DIỆP THANH
Ngày 27-3, TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết với 3 bị cáo trong vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người thiệt mạng.
Cụ thể, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù, Lê Thị Thì và Hoàng Văn Tuấn cùng 7 năm tù về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động
Theo nhận định của HĐXX, lời khai của các bị cáo phù hợp tài liệu hồ sơ, biên bản khám nghiệm, tang vật, người làm chứng… Do đó, đủ cơ sở kết luận bị cáo Linh, Tuấn, Thì không tuân thủ quy định, để xảy ra cháy tại karaoke 68 Trần Thái Tông.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Diệu Linh chủ quán karaoke đã tự ý thay đổi thiết kế, không tuân thủ thiết kế ban đầu trong quá trình xây dựng và giám sát xây dựng, tự ý đưa cơ sở đi vào hoạt động khi quá trình xây dựng, sửa chữa chưa hoàn thành, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu.
Tuy nhiên, tại tòa bị cáo Linh thành khẩn khai báo lại có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Hoàng Văn Tuấn, người trực tiếp gây ra vụ cháy, được áp dụng tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo, nhân thân chưa có tiền án tiền sự nên bị tuyên mức án 7 năm tù.
Bị cáo Lê Thị Thì (là người thuê Hoàng Văn Tuấn) sử dụng lao động khi không có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ, nhưng không có biện pháp phòng chống, để Tuấn dùng máy hàn nung, cắt bản lề dẫn đến cháy.
Về nhân thân, bị cáo có một tiền án đã xóa, tình tiết giảm nhẹ bị cáo được áp dụng là thành khẩn khai báo nên HĐXX tuyên bị cáo này cùng 7 năm tù với bị cáo Tuấn.
Về dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại bao gồm tổn thất về tinh thần, mai táng phí, chu cấp cho con cái nạn nhân đến năm 18 tuổi.
Trách nhiệm của chính quyền và cảnh sát PCCC đến đâu?
Trước đó, khi HĐXX chưa vào làm việc, bên ngoài hành lang phiên tòa, mẹ bị cáo Tuấn luôn tới gần gia đình bị hại để nói lời xin lỗi. Đôi lúc, bà nức nở, vội vã quỳ xuống đất để xin người thân những người bị thiệt hại trong vụ án tha thứ cho con trai mình. Thấy người phụ nữ lam lũ này quỳ, những người ngồi cạnh vội vã nâng dậy.
Đến giờ làm việc, hàng chục người thân của các bị hại lục tục đi vào phòng xử 303 chật chội. Họ ngồi giữ trật tự để lắng nghe ý kiến, tâm tư của những người có hoàn cảnh giống mình.
Vụ cháy quán karaoke đã làm 13 người thiệt mạng - Ảnh: Quang Thế
Chủ tọa phiên tòa đã dành nhiều thời gian cho đại diện các gia đình bị hại tham gia đối đáp trước khi HĐXX ra phán quyết với các bị cáo.
Cô của một bị hại đặt vấn đề về trách nhiệm của UBND phường và quận cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý về PCCC.
Theo lời người phụ nữ này, dù kế hoạch kiểm tra của cảnh sát PCCC là 2 lần/năm cán bộ địa bàn phải có trách nhiệm kiểm tra liên tục, nhất là khi có dấu hiệu vi phạm.
"Trong trường hợp này, cảnh sát địa bàn để làm gì? Không thể trả lời chúng tôi rằng chỉ đi kiểm tra 2 lần thôi, đúng là nói như thế cho xong. Tôi đặt vấn đề ở đây là các cấp chính quyền, cơ quan chức năng liên đới chịu trách nhiệm phần nào", cô một bị hại nói.
Một người mẹ mất con trong vụ cháy cũng bức xúc: "Chị Linh thuê nhà 160 triệu đồng/tháng mà khi vụ việc xảy ra lại nói không có điều kiện. Tôi thấy rất nhiều mâu thuẫn, xây nhà 6 tầng nhưng thực tế 9 tầng, cơ quan chức năng ở đâu? Chúng tôi cam kết đi đến cùng vụ án".
Do đó, một số gia đình bị hại đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ để không bỏ lọt tội.
Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng các cơ quan quản lý có dấu hiệu vi phạm nhưng đây thuộc về quản lý hành chính nhà nước, không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ cháy.