Pháp luật

Cháy chung cư Carina: nạn nhân được bồi thường ra sao?

Những thiệt hại về người, về của sau vụ cháy chung cư Carina (P.16, Q.8) vừa qua là rất lớn. Người dân nơi đây sẽ được bồi thường như thế nào?

Cháy chung cư Carina: nạn nhân được bồi thường ra sao? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy chung cư Carina ngày 23-3. Ảnh: THUẬN THẮNG

Ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Giảng viên Học viện Tư pháp tại TP.HCM) cho biết, theo khoản 9 Điều 38 Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, chủ đầu tư dự án xây nhà chung cư có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Như vậy, trong trường hợp xảy ra cháy nổ ngoài ý muốn, đơn vị bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường.

Còn trong trường hợp những thiệt hại do cố ý vi phạm những quy định về phòng cháy chữa cháy thì doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại, theo Điều 10 Nghị định 130/2006/NĐ-CP.

Lúc này, dựa theo Khoản 10 Điều 38 Thông tư 02/2016/TT-BXD, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.Đồng thời chủ đầu tư phải chấp hành quyết định giải quyết, xử lý, xử phạt vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có lỗi trong việc để xảy ra cháy nổ.

Căn cứ các Điều 589, 590, 591 - Bộ luật dân sự 2015, trong trường hợp có thiệt hại xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ vụ cháy nổ chung cư, có thể yêu cầu đơn vị quản lý chung cư chủ đầu tư bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, bao gồm cả bồi thường thiệt hại vật chất và tổn thất tinh thần.

Phải dựa vào kết luận điều tra

Cháy chung cư Carina: nạn nhân được bồi thường ra sao? - Ảnh 2.

Số xe máy tầng hầm chung cư bị thiêu rụi. Ảnh: THUẬN THẮNG

Theo luật sư Kỳ Quân, việc xác định cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trực tiếp hoặc liên đới sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng. Trong đó phải kể đến đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, đội bảo vệ, tuần tra kiểm soát, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương….

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung thêm: "Trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu cũng chưa nói được khi chưa có kết luận điều tra. 

Chưa biết chủ đầu tư có ký hợp đồng quản lý với pháp nhân nào khác có chức năng quản lý hay không. Nếu không ký hợp đồng thuê quản lý với bất kỳ một pháp nhân nào thì chủ đầu tư chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu thuê quản lý thì dựa vào hợp đồng thuê mà xem xét, quy trách nhiệm".

Người dân không được báo động để sơ tán kịp thời thì lỗi thuộc hệ thống phòng cháy chữa cháy, liên quan đến đơn vị nào cung cấp thiết bị, kiểm định, vận hành hệ thống phòng cháy chữa cháy. Không chỉ chịu trách nhiệm dân sự mà còn trách nhiệm hình sự. Rất nhiều tổ chức sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

Luật sư Kỳ Quân cho biết tùy vào mức độ thiệt hại do cháy nổ gây ra, nếu người nào vi phạm quy định an toàn về Phòng cháy chữa cháy, vô ý để xảy ra cháy nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, từ 30 triệu đến 50 triệu.

Nếu vi phạm quy định an toàn về Phòng cháy chữa cháy để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, mức hình phạt cao nhất là 12 năm.

Về vấn đề bồi thường xe máy, ôtô bị thiêu rụi trong chung cư, luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết nếu chủ xe mua bảo hiểm về cháy nổ, khi xảy ra cháy nổ, bên doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ bồi thường cho chủ xe.

Với trường hợp xe không mua bảo hiểm, chủ xe làm việc với bên ký hợp đồng giữ xe để thỏa thuận bồi thường, nếu xác minh được việc cháy nổ thuộc về lỗi của nơi giữ xe.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        402,828       425